Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Cần ngăn chặn việc lợi dụng thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh

Trọng Bảo - 14:17, 10/08/2021

Những năm gần đây, việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, hay đơn giản hơn là trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook… ngày càng phổ biến. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xu hướng mua sắm trực tuyến càng phát triển mạnh. Bên cạnh những tiện lợi dễ nhận thấy, thương mại điện tử còn tiềm ẩn một số yếu tố tiêu cực, phức tạp, nhất là tình trạng hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu khó kiểm soát.

Lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh
Lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh

Ghi nhận tại tỉnh Lào Cai, thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai đã phát hiện, xử lý 7 vụ vi phạm về kinh doanh thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 550 triệu đồng.

Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn bán thay đổi hình thức và thủ đoạn kinh doanh mới như chuyển địa điểm xa trung tâm thành phố thuê nhà thuê kho. Các đối tượng bán hàng một nơi, để hàng một nơi để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng.

Thực tế cho thấy, người bán hàng qua mạng không cần phải có kho trữ hàng hóa, mà chỉ khi nhận được đơn đặt hàng từ người tiêu dùng mới bắt đầu tiến hành lấy hàng. Nhiều địa chỉ bán hàng online nhưng khi đăng nhập vào, thì không có địa chỉ cửa hàng cụ thể hoặc thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác... Đây là những nguyên nhân chính khiến việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Ngọc Cường, Tổ trưởng Tổ công tác thương mại điện tử, Cục QLTT Lào Cai cho biết: Việc thu thập chứng cứ điện tử, phát hiện các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị phù hợp để phục vụ cho công tác này.

“Người tham gia kinh doanh thương mại điện tử luôn tìm mọi cách trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng; môi trường mạng điện tử là môi trường rất khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với cơ quan chức năng. Người kinh doanh thường xuyên thay đổi thủ đoạn, ngày càng tinh vi hơn, dùng các đơn hàng đóng từ bên kia biên giới chuyển về Việt Nam, chia nhỏ hàng rồi chuyển phát…”, ông Cường phân tích.

Do đó, để tăng cường công tác quản lý loại hình kinh doanh này, thời gian tới, lực lượng QLTT cần tăng cường phối hợp với các lực lượng liên ngành, bám nắm địa bàn, thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử. Qua đó, góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, cùng với đó là tình hình bùng phát của dịch bệnh Covid-19 thì hoạt động thương mại điện tử qua các trang mạng như zalo, facebook... phát triển mạnh mẽ là điều dễ hiểu. Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã đưa ra rất nhiều giải pháp để quản lý hình thức kinh doanh này.

Ông Nguyễn Quang Hiểu, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị đã thành lập Tổ thương mại điện tử trên cơ sở Tổ 368 của Tổng cục QLTT; nhiệm vụ của tổ này chuyên về quản lý hoạt động thương mại điện tử. Qua đó, đã tiến hành rà soát lại tất cả các trang mạng, các địa điểm, các cá nhân… từ đó, có kế hoạch quản lý chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, hải quan, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ngăn chăn các hành vi lợi dụng hình thức kinh doanh thương mại điện tử để vi phạm các quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.