Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Cần tăng cường dạy kỹ năng sinh tồn dưới nước cho trẻ em

PV - 15:24, 10/06/2019

Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương, trong đó có vùng DTTS liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em. Điều đáng nói, ngay cả khi trẻ đã biết bơi cũng không thoát khỏi đuối nước.

Biết bơi vẫn chết đuối

Vừa qua (30/5) tại vùng quê nghèo xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xảy ra chết đuối thương tâm của 5 em học sinh. Em Phan Thị Bảo Châu, nạn nhân duy nhất còn sống bàng hoàng kể lại, vào sáng 30/5, nhóm học sinh cùng lớp (khoảng hơn 20 bạn) rủ nhau đến Trại Xanh, tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành chơi. Sau khi ăn uống xong, khoảng 13 giờ cùng ngày, một em bị sảy chân xuống vùng nước sâu đuối nước. Sau đó, một số em biết bơi đã lao xuống cứu bạn. Nhưng do không có kỹ năng nên chính các em này cũng đã trở thành nạn nhân dẫn đến cái chết tập thể đau lòng.

Tập cho trẻ thói quen mặc áo phao khi qua phà, thuyền. Tập cho trẻ thói quen mặc áo phao khi qua phà, thuyền nhằm phòng tránh đuối nước.

Còn tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ngày 25/5 cũng xảy ra vụ tai nạn đuối nước khiến 4 em học sinh người DTTS tử vong. Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết, khoảng hơn 13 giờ chiều ngày 25/5, một nhóm học sinh (5 nữ, 1 nam) cùng học lớp 6A1 Trường THCS Quang Kim rủ nhau ra suối Ngòi San trên địa bàn xã để tắm. Sau đó cả nhóm 6 em bơi qua hố hút cát sâu khoảng 7m, rộng hơn 25m để sang bờ đá bên kia ngồi chơi.

Trong quá trình bơi về, một em nữ có biểu hiện đuối nước nên 5 em còn lại đã nhảy xuống để cứu bạn. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm cứu người đuối nước, nên nhóm bạn đã không những không cứu được bạn mà 3 nữ sinh ra cứu bạn cũng bị đuối nước cùng. Thấy 4 bạn bị đuối nước, 2 em còn lại bơi được vào bờ và chạy về thông báo cho mọi người ra ứng cứu nhưng không kịp.

Thống kê của Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong vì đuối nước, con số này là cao nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối. Một số vụ điển hình như vụ 8 em học sinh tại tỉnh Hòa Bình, 4 em tại Thanh Hóa và hàng loạt các vụ lớn, nhỏ khác tại khu vực Hòa Bình, Quảng Bình, Khánh Hòa…

Thiếu kỹ năng sinh tồn dưới nước

Có thể nói, việc liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước khiến nhiều trẻ em tử vong cùng 1 lúc, trong đó có nhiều em đã biết bơi là do chúng ta chưa thực sự chú trọng tới đào tạo kỹ năng sinh tồn dưới nước cho trẻ.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện tỷ lệ học sinh tiểu học biết bơi là hơn 40% nhưng chỉ có khoảng 16% các em nắm được kỹ năng an toàn. Đây thực sự là một hiện trạng rất đáng tiếc và cần thay đổi trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dạy bơi ở đây không phải là dạy trẻ bơi nhanh mà cần dạy trẻ cách bơi tự cứu mình. Tức là làm sao để các em có thể đứng nổi ở dưới nước, ngửa mặt trên mặt nước tối thiểu 90 giây, trong thời gian đó thì hô hoán để người trên bờ quăng dây, quăng phao xuống cứu.

Một kỹ năng nữa cần được dạy cho trẻ là cứu đuối. Bởi trong nhiều trường hợp các em biết bơi mà thấy bạn chới với là các em sẽ lao xuống nước cứu bạn, nhưng nếu chưa lượng được sức mình hoặc gặp sóng xa là có thể chết chùm.

Vì vậy, thời gian tới chúng ta cần dạy cho các em kỹ năng để thực hành được trong tình huống có người nguy cơ đuối nước, như hô hoán, quăng dây, quăng phao, ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo...

Đồng thời dạy trẻ những nguyên tắc tối thiểu như mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông thủy, quan sát nơi để phương tiện cứu đuối phòng trường hợp nguy cấp...

Ông Nguyễn Trọng An cũng cho biết thêm, thời điểm từ cuối tháng 4 trở đi là thời điểm dễ xảy ra đuối nước ở trẻ em do giao mùa, trời nóng bức, trẻ có thể đến các điểm có nước vui chơi và tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Tại gia đình, ông An khuyến cáo cha mẹ chú ý lật úp các chậu, chum, xô có chứa nước, tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là các cháu mới biết đi lẫm chẫm có thể ngã vào các dụng cụ chứa nước, xảy ra tình huống nguy hiểm.

Các trường học, cộng đồng cần sớm tổ chức dạy bơi cứu đuối và kỹ năng sinh tồn dưới nước một cách rộng rãi cho trẻ em. Ở các vùng đặc biệt khó khăn có thể tận dụng dùng lưới chăng trên các vùng hồ, sông đã được khảo sát đảm bảo an toàn để dạy bơi cho trẻ em. Điều quan trọng là địa phương cần mời những người có chuyên môn về kỹ năng sinh tồn dưới nước hướng dẫn trẻ em để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.