Và sẽ không có gì phải bàn luận, nếu các mạng xã hội không bị một số đối tượng lợi dụng để phục vụ mục đích thiếu trong sáng, thậm chí là bất lương, mà hệ lụy là hiện tượng tiêu cực trên mạng xã hội đang trở thành một vấn nạn đối với chính cả những người sử dụng mạng xã hội cũng như đời sống hằng ngày.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã ra nhiều quyết định xử phạt những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng Facebook. Ðơn cử: một phụ nữ ở TP. Ðiện Biên Phủ (Ðiện Biên) bị phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; một phụ nữ ở Bảo Lộc (Lâm Ðồng) bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai về thịt lợn nhiễm sán; bốn người ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã bị xử phạt mỗi người 7,5 triệu đồng vì sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ thông tin, bình luận bằng lời lẽ lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và công an địa phương…
Trong báo cáo minh bạch công bố vào ngày 24/5 mới đây, Facebook cho biết trong 6 tháng cuối năm 2018, tại Việt Nam Facebook đã hạn chế quyền truy cập 1.553 bài đã đăng và ba chủ tài khoản, trong khi 6 tháng đầu năm 2018 có 265 hạn chế tương tự.
Trên mạng xã hội, các loại tin giả, luận điệu xuyên tạc, giật gân, đả kích, xúc phạm người khác, tin không kiểm chứng, tin kèm số liệu bịa đặt và hình ảnh cắt ghép, kích động thù hằn... luôn nhằm mục đích hướng tới những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết hoặc thiếu tỉnh táo khiến họ bị lôi kéo rồi chuyển tiếp, nhân rộng. Các loại tin này vừa có thể tạo sự nổi tiếng trên mạng, đồng thời gây tổn hại cho không ít cá nhân, doanh nghiệp cũng như uy tín của các tổ chức Nhà nước...
Do đó, người dân khi tham gia mạng xã hội cần tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng khi phát ngôn. Không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực... Chỉ có như vậy, người dân mới tận dụng được mảng tích cực của mạng xã hội và tránh các hành vi vi phạm luật.
THIÊN ĐỨC