Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:
Trong năm 2023, cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được một số kết quả nổi bật như sau: Kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,77%; GDP bình quân đầu người ước đạt 60,10 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có 70 xã được công nhận xã nông thôn mới. Đặc biệt là tỉnh đã công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cầu Đại Ngãi.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) tại Sóc Trăng còn gặp một số khó khăn, như: việc tìm kiếm quỹ đất để triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đối tượng thụ hưởng; khó khăn cơ chế hỗ trợ “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện”...
Nhân Hội nghị này, tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn tỉnh tháo gỡ khó khăn đối với Dự án 1 Chương trình MTQG 1719; xem xét bổ sung “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện” vào đối tượng hỗ trợ của các Chương trình để địa phương triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề....
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp của các Sở, ngành, địa phương trong xây dựng văn bản trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành kịp thời, chất lượng. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,75% (KH năm 2023: 1,5-2,0%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%. Đến cuối năm 2023, tỉnh có 78/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 04 xã so với năm 2022; có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có thời điểm vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỉnh đã kịp thời báo cáo Trung ương và triển khai các biện pháp nhằm sớm ổn định tình hình, đến nay tình hình đã ổn định và mọi hoạt động, sinh hoạt của Nhân dân đã trở lại bình thường.
Tôi kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 theo hướng cho phép địa phương lựa chọn các nội dung, dự án thành phần có nhu cầu cấp thiết đầu tư để triển khai đảm bảo lộ trình và phù hợp với số vốn được giao, nhằm tạo động lực thúc đẩy, tăng hiệu quả triển khai thực hiện chính sách; các nội dung còn lại sẽ mở rộng hỗ trợ, đầu tư vào giai đoạn sau.
Đề xuất đối với Uỷ ban Dân tộc sớm ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên để tỉnh có cơ sở áp dụng, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719; nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn về phương pháp xác định cụ thể định mức đất sản xuất để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; bổ sung tiêu chí “tỷ lệ hộ nghèo của thôn ĐBKK” vào nhóm tiêu chí ưu tiên để tính điểm phân bổ vốn thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Ngoài ra, xem xét, bổ sung đối tượng thụ hưởng của Tiểu dự án 2, Dự án 5 bao gồm “Lực lượng công an, quân đội thuộc đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện” được Bồi dưỡng kiến thức dân tộc và Bồi dưỡng tiếng DTTS góp phần nâng cao nghiệp vụ bám cơ sở của lực lượng công an, quân đội.
Ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ:
Thực tế hiện nay, nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động là người DTTS, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo sinh sống ở các huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Phú Thọ là rất lớn, vì vậy nguồn kinh phí để thực hiện chính sách này được phân giao trong 02 năm là 128.543 triệu đồng (Một trăm hai mươi tám tỷ năm trăm bốn mươi ba triệu đồng chẵn).
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 cơ sở là Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh xét theo tên gọi và chức năng, nhiệm vụ đáp ứng được các tiêu chí và là đối tượng thụ hưởng chính sách của Chương trình nhưng không thể đảm đương hết nhiệm vụ đào tạo được giao. Vì vậy, đề nghị Trung ương xem xét đưa "Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên" của các huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi vào đối tượng thụ hưởng như "Cơ sở giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào DTTS và miền núi" để thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719: “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi”.
Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương sớm có hướng dẫn việc xây dựng dự toán, ổn định về mẫu biểu tổng hợp thông tin, số liệu để các địa phương có thời gian, chủ động xây dựng, tổng hợp từ cơ sở đảm bảo chính xác, đánh giá đúng tình hình để xây dựng dự toán đảm bảo chất lượng, sát với tình hình thực tế.