Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ lá du mại

Như Ý (T/h) - 17:25, 30/05/2022

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, người dân trồng cây du mại để chữa bệnh táo bón. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mệt mỏi, sốt, vàng da, chóng mặt, chán ăn, đi tiểu màu đỏ… Đi khám tại bệnh viện các bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch do tan máu cấp dẫn tới thiếu máu nghiêm trọng. Trước tình trạng này, các bác sĩ đã đưa ra cảnh báo giúp người dân tránh được nỗi lo ngộ độc do lá du mại.

 Nếu ăn và uống số lượng lớn lá cây lộc mại thì có nguy cơ bị ngộ độc. Ảnh minh họa
Nếu ăn và uống số lượng lớn lá cây lộc mại thì có nguy cơ bị ngộ độc. Ảnh minh họa

Cây du mại hay còn gọi là cây lộc mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi. Cây du mại cũng có nhiều loại và hình dạng lá khác nhau: lộc mại lá dài, lộc mài nhỏ, lộc mại trái láng. Cây du mại mọc tự nhiên, phổ biến nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên.

Lá du mại thường được bà con sử dụng làm rau ăn, chế biến với thức ăn hoặc đun nước uống để chữa một số bệnh trong đó có bệnh táo bón. Độc tố của lá du mại có thể gây vỡ hồng cầu (tan máu) dẫn đến thiếu máu nặng, đặc biệt là ở những người thiếu hụt men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase).

Men G6PD giúp cho tế bào hồng cầu hoạt động bình thường, khi bị thiếu hụt loại men này, hồng cầu sẽ bị vỡ khi có các tác nhân bên ngoài, trong đó có độc tố của lá du mại. Điều này lý giải cho việc trong một mâm cỗ có thức ăn chế biến với lá du mại, có người bị tan máu, có người không bị.

Nguyên nhân gây bệnh thiếu men G6PD là sự đột biến gen trên nhiễm sắc thể giới tính X. Nam giới bình thường chỉ có một nhiễm sắc thể giới tính X (XY), trong khi nữ giới có tới 2 nhiễm sắc thể giới tính X (XX). Vì vậy, bệnh thường biểu hiện ở nam giới. Trong khi nữ giới cần đến sự biến đổi ở cả cặp nhiễm sắc thể giới tính mới gây thiếu men G6PD nên bệnh ít gặp hơn ở nữ.

Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã cấp cứu 2 trường hợp ngộ độc lá cây du mại. Nguyên nhân do người dân sử dụng lá du mại để chế biến thức ăn hoặc đun nước uống. Thời gian đầu, chỉ sử dụng một ít lá lộc mại để nấu canh ăn hoặc nấu nước uống thấy cải thiện tình trạng táo bón nên nhiều người đã tiếp tục dùng để uống. Nhưng một thời gian sau thì có biểu hiện mệt mỏi, sốt, vàng da, chóng mặt, chán ăn, đi tiểu màu đỏ… Đi khám tại bệnh viện các bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch do tan máu cấp dẫn tới thiếu máu nghiêm trọng. Hiện nay, 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị và chăm sóc tích cực.

Việc sử dụng lá du mại và một số lá cây rừng đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân do thiếu hiểu biết vẫn sử dụng để chữa bệnh và dùng làm món ăn hàng ngày. Người dân cần nâng cao hiểu biết của mình, không nghe theo lời mách bảo, tự ý sử dụng những loại lá cây để chữa bệnh dễ dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân và gia đình. 

Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân không nên sử dụng lá du mại để làm thức ăn hoặc đun nước uống vì sự nguy hiểm của nó đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người bị thiếu hụt men G6PD. Khi không may bị ngộ độc độc lá du mại, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến trên kịp thời.

Các trường hợp ngộ độc lá du mại, nhập viện trong tình trạng nặng, thường phải áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu mới có hy vọng cứu sống người bệnh, như: rửa dạ dày, thở máy, lọc máu, thay huyết tương, điều chỉnh rối loạn nước - điện giải và điều chỉnh rối loạn toan - kiềm máu./.

Tin cùng chuyên mục