Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Cảnh báo sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi

T.Nhân - H.Trường - 17:21, 18/09/2024

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia vừa có cảnh báo tình trạng sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ tại Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Theo đó, trong ngày hôm qua (17/9), khu vực Quảng Nam và Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to. Như tại xã Zuôich, là 54,4mm (Quảng Nam); xã Hương Trà 50,8mm (Quảng Ngãi)… Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trong các ngày tới, hai địa phương tiếp tục có mưa từ 20 - 40mm, có nơi mưa to trên 50mm; có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện miền núi của hai tỉnh trên. Cụ thể, các huyện có nguy cơ gồm Quảng Nam: Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây (Quảng Ngãi).

Các địa phương chủ động ứng phó với mưa, lũ
Các địa phương chủ động ứng phó với mưa, lũ

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa, lũ, ngày 18/9, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ; chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương; tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.

“Chủ động phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản; tổ chức vận hành điều tiết các hồ chứa nước theo quy định; chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu.

Nhằm chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, lãnh đạo UBND Tp. Hội An đã yêu cầu tàu thuyền tạm dừng ra đảo Cù Lao Chàm và ngược lại.

Cùng ngày, tại Quảng Ngãi, lãnh đạo địa phương đã ban hành công điện khẩn gửi các sở, ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.

Cấm tất cả các phương tiện, tàu thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến cảng Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12 giờ trưa hôm nay (18/9) cho đến khi thời tiết ổn định.

Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Thống kê đầy đủ, cụ thể thông tin như: Tên phương tiện, số lao động, vị trí, tình hình liên lạc, hướng di chuyển của các tàu thuyền đang ở khu vực nguy hiểm của bão gửi về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong các báo cáo nhanh hằng ngày để theo dõi, chỉ đạo.

Thông báo kêu gọi các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn; hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra; khẩn trương chặt tỉa các cành cây có khả năng gãy đổ để bảo đảm an toàn cho người, nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến mưa trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó. Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.