Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cảnh báo từ cơn “sốt” đất ở đảo Lý Sơn

PV - 17:20, 16/09/2019

Thời gian gần đây, việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang diễn ra rất phức tạp. Một số cá nhân trong và ngoài tỉnh mua đất nông nghiệp với mức giá cao. Do đó, nhiều người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp. Điều đáng lo ngại là người dân không biết người mua đất để làm gì, ở đâu? Nếu không có cách quản lý tốt, việc mua bán đất này sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Quay cuồng trong cơn “sốt” đất

Hơn 2 năm qua, giá đất ở huyện đảo Lý Sơn tăng đột biến do nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư làm du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, homestay... Gần đây, rộ lên thông tin sẽ có nhiều dự án lớn đầu tư vào Lý Sơn. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân đổ về đây để gom mua đất nông nghiệp, đã đẩy giá đất lên rất cao. Dọc tuyến đường ven biển đảo Lý Sơn nối hai xã An Vĩnh, An Hải giá đất tăng gấp nhiều lần. Đơn cử, mảnh đất 200m2 cách đây vài năm chỉ có giá 1-2,5 tỷ đồng, hiện giá giao dịch lên tới 5-6 tỷ đồng. Cơn “sốt” đất tại đảo Lý Sơn ngày càng nóng hơn khi số lượng giao dịch tăng lên. Giá đất được thổi lên rất cao do quỹ đất tại đảo có hạn, mà nhu cầu mua đất đầu tư kinh doanh, hay đầu cơ lướt sóng bất động sản có xu hướng tăng mạnh.

Những mảnh đất đang trồng hành, tỏi này có thể bị bán đi bất cứ lúc nào. Những mảnh đất đang trồng hành, tỏi này có thể bị bán đi bất cứ lúc nào.

Đầu tháng 8 vừa rồi, bà Trần Thị Hòa (xã An Vĩnh) đã chuyển nhượng thửa đất nông nghiệp 700m2 cho một người dân địa phương với giá hơn 1,4 tỷ đồng. Bà Hòa cũng không rõ người mua đất sử dụng vào mục đích gì. “Đất này tôi dùng để trồng hành, trồng tỏi nhưng không được giá lắm. Cho họ thuê thì không được bao nhiêu. Tôi thấy người ta mua giá cao thì bán”, bà Hòa cho biết.

Do nhu cầu giao dịch đất tăng và nguồn cung đất hạn chế nên nhiều cá nhân, tổ chức còn gom mua đất nông nghiệp, hoặc tìm cách chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, đất dịch vụ thương mại để bán với giá cao gấp vài chục lần. Thấy giá đất tăng vù vù, nhiều gia đình trên đảo đã bán đất nông nghiệp, hoặc xin chuyển đổi đất, tách thửa để bán được giá cao hơn. Ông Trần Hòe (xã An Vĩnh), cho biết, thấy giá đất tăng cao, nhiều gia đình đã bán hết đất sản xuất. Gia đình ông vừa rồi cũng bán 900m2 được vài tỷ đồng, còn lại 1 sào để làm ăn.

Và những hệ lụy

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn chia sẻ: Quy định bồi thường chỉ 60 ngàn đồng/m2, trong khi giá giao dịch bên ngoài lên đến 1,5-2 triệu đồng/m2. Do đó, nhiều dự án trên địa bàn huyện đang vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngay cả dự án phục vụ đời sống tâm linh như mở rộng di tích Lăng Tân cũng đang vướng. Hiện còn 3 hộ không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Lý Sơn, trong hai năm 2017-2018, đơn vị đã giải quyết 1.933 hồ sơ về cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tặng cho, chuyển mục đích sử dụng, tách thửa đất. Chỉ 3 tháng đầu năm 2019, địa phương cũng đã giải quyết gần 150 hồ sơ chuyển nhượng, tách thửa đất ở.

Điều đáng lo ngại là nhiều hồ sơ xin tách thửa của hộ gia đình, cá nhân chia cắt từ công trình nhà ở và các công trình phục vụ nhà ở đã xây dựng kiên cố, hay tách thửa đất nhỏ hơn, tự làm đường để bán... làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch... “Giá đất ở tại Lý Sơn đang ở mức cao, do đó nhiều cá nhân mua đất nông nghiệp rồi tìm cách chuyển đổi để thu lợi. Hầu hết trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp của người dân đều không qua chính quyền mà tự thỏa thuận giao dịch qua các văn phòng công chứng khiến công tác quản lý đất đai của huyện gặp khó khăn”, bà Hương cho biết thêm.

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, từ lâu vùng đất này đã nổi tiếng với thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn. Nhờ trồng được hành, tỏi, nhiều người dân đã có thu nhập ổn định. “Việc người dân ồ ạt bán đất nông nghiệp dẫn đến không còn đất sản xuất, cuộc sống sẽ khó khăn hơn và thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn cũng có nguy cơ mất đi vì không còn đất để trồng”, anh Nguyễn Văn Lý, một người dân trồng hành, tỏi lâu năm tỏ ra tiếc nuối.

Trước tình trạng này, UBND huyện Lý Sơn đã chỉ đạo rà soát, tăng cường công tác quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo đó, huyện sẽ siết chặt hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, tiến đến hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời, yêu cầu những cá nhân mua đất nông nghiệp phải ký cam kết chấp nhận mức bồi thường theo giá Nhà nước nếu nằm trong diện thu hồi đất.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về đất đai để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc quản lý, sử dụng đất đúng quy định.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.