Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo từ thiện trên mạng xã hội

Tuấn Trình - 10:56, 07/01/2020

Vào thời điểm cuối năm, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… đăng tải nhiều hình ảnh thương tâm của các bệnh nhân “nhí”, kèm theo những câu chuyện đau lòng rồi nhận mình là cha mẹ các em để kêu gọi quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, nhiều trong số các thông tin này là giả mạo, lừa đảo người dân để chiếm đoạt tài sản.

Anh Nguyễn Công Đức chăm sóc con gái trong đợt điều trị tại Đài Loan.
Anh Nguyễn Công Đức chăm sóc con gái trong đợt điều trị tại Đài Loan

Còn nhớ vào năm 2016, tôi cùng các bạn đồng nghiệp có bài viết về trường hợp của bé Nguyễn Thị Loan, ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Đây là bệnh nhân nhi mắc chứng chân voi - một trong những bệnh rất khó chữa trị dứt điểm. Ngay từ khi sinh ra, Loan đã phải đi trên đôi chân không lành lặn, luôn phù nề, lở loét vô cùng đau đớn. Mặc dù, đã được sang Đài Loan điều trị, nhưng suốt từ thời gian đó tới nay, bệnh của bé vẫn chưa thể được chữa dứt điểm. Ngày ngày, Loan vẫn chênh vênh trên chiếc chân voi để tới trường và lên rẫy.

Mới đây, tháng 12/2019, Loan nhắn tin cho chúng tôi hay, hiện nay trên Facebook, nhiều người đã chia sẻ lại hình ảnh của bé trong đợt điều trị tại Đài Loan với những thông tin sai lệch. Các tài khoản này đều có nội dung: “Con tên: Lê Như Hạnh. Con đang mang căn bệnh u máu. Mẹ con rửa chén bát thuê còn ba con bị teo chân không làm gì được. Đăng lên đây để mong có thêm sự giúp của các mạnh thường quân để có tiền mổ u chân…”.

Để xác minh thêm thông tin, chúng tôi đã trực tiếp liên lạc với số điện của người được cho là mẹ của bé. Qua điện thoại, người phụ nữ này cho biết, con gái chị đang được điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, khi phóng viên xin phép được vào gặp trực tiếp để chia sẻ và hỗ trợ trực tiếp, thì người phụ nữ trên liền cắt liên lạc!

Chuyện lợi dụng từ thiện để trục lợi hiện nay không còn là hy hữu. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện cụ già nghèo ngồi bán rau; chú cựu chiến binh lên thành phố thăm người ốm bị kẻ xấu móc hết tiền, hay người cha nói không có tiền ở trọ, dắt 2 con đi ăn xin mỗi tối…

Qua xác minh, đây chỉ là những câu chuyện giả mạo. Ông cụ nghèo bán rau thường được người mua rau cho thêm nhiều tiền, hóa ra là một người khỏe mạnh, ông mua rau ở chợ đầu mối, ra lề đường vừa bán vừa xin tiền cho dễ. Còn người cha dắt 2 con đi ăn xin, thực ra là tự dựng nên câu chuyện để lợi dụng sự thương hại của mọi người.

Những kẻ dựng lên những câu chuyện giả mạo này chẳng những đã chiếm đoạt được tài sản của những người dân tốt bụng, mà còn gây bức xúc, làm mất niềm tin của xã hội, mất đi cơ hội được giúp đỡ của những người có hoàn cảnh đáng thương thực sự.

Đặc biệt, xét ở góc độ pháp luật, các hành vi này đang vi phạm luật một cách trắng trợn. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, theo quy định tại Khoản 11, Điều 6 của Luật Trẻ em 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Việc các đối tượng sử dụng trái phép hình ảnh các bệnh nhân “nhí”, bịa thêm những câu chuyện thương tâm đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em; đồng thời có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định tại Khoản 11, Điều 6 của Luật Trẻ em 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em

Tin cùng chuyên mục