Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Cảnh giác với “Hội thánh Đức Chúa Trời”

PV - 13:51, 09/05/2018

“Hội thánh Đức Chúa Trời” chưa được công nhận là tổ chức hoạt động tôn giáo ở nước ta. Các giáo lý, giảng đạo của “Hội thánh Đức Chúa Trời” mang tính chất trái thuần phong mỹ tục, có biểu hiện mê tín dị đoan.

Đáng báo động, nhiều đối tượng đứng đầu trong tổ chức này đã dùng những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm nhằm lôi kéo nhiều người tham gia, trục lợi cá nhân.

Trái ngược với “lời vàng ý ngọc”, những người mê muội gia nhập “Hội thánh Đức Chúa Trời” đã bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn, sinh viên bỏ học,… Thực trạng này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

Tan cửa, nát nhà

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin khá chi tiết về nhiều gia đình lâm vào cảnh “tan cửa nát nhà” vì có thành viên theo “Hội thánh Đức Chúa Trời”. Đó là câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn C. (sinh năm 1984), trú ở xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Anh C. cùng chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1987) kết hôn từ năm 2011, có với nhau ba mặt con; 2 bé sinh đôi nay đã 6 tuổi và 1 bé 3 tuổi.

Từ đầu năm 2017, chị H. bị rủ rê theo “Hội thánh Đức Chúa Trời”; từ chỗ chăm chỉ làm ăn, thương chồng thương con, chị H. trở thành con người khác. Chị thường đòi chồng bán nhà, bán xe, không cần vay tiền ngân hàng làm ăn; cứ vào “đạo” là có cơm ăn, áo mặc.

“Vợ tôi đã bỏ nhà đi hai lần; sau hai lần bỏ đi, tôi tưởng vợ sẽ vì 3 đứa con mà hồi tâm chuyển ý, trở về. Nhưng mới đây, ngày 25/3/2018, vợ tôi lại bỏ nhà đi, gia đình không có cách nào liên lạc được”, anh C. chia sẻ với phóng viên báo chí.

Hay ở huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa), nhiều gia đình cũng rơi vào cảnh ly tán vì có thành viên theo “Hội thánh Đức Chúa Trời”. Thông tin từ Công an huyện Ngọc Lặc cho hay, tham gia Hội này, nhiều người có biểu hiện lạ, hoàn toàn bỏ bê, thiếu trách nhiệm với gia đình. Dù chính quyền địa phương, người thân đã ra sức vận động, ngăn chặn nhưng họ vẫn một mực đi theo.

Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ nhiều tài liệu, vật dụng tại một điểm nhóm “Hội thánh Đức Chúa Trời” trên địa bàn. (Ảnh tư liệu) Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ nhiều tài liệu, vật dụng tại một điểm nhóm “Hội thánh Đức Chúa Trời” trên địa bàn. (Ảnh tư liệu)

Đơn cử như bà Nguyễn Thị H. (50 tuổi, trú tại xã Kiên Thọ), sau khi gia nhập Hội, bà H. không đoái hoài gì đến chồng con cũng như anh em họ hàng, ai nói gì cũng bỏ ngoài tai. Hay bà Hà Thị T. (57 tuổi, trú tại xã Lam Sơn), vốn là cán bộ hưu trí, nghe theo đối tượng xấu, bà T. nhanh chóng leo lên chức “Trưởng nhóm”, ngày ngày tự mình đi truyền đạo, ra sức thuyết phục mọi người cùng về sinh hoạt dưới mái nhà chung(?!).

Truyền đạo theo hình thức… đa cấp!

Theo tìm hiểu của phóng viên và thông tin từ các cơ quan chức năng, hiện tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” đã xuất hiện trên 20 tỉnh, thành phố, với hơn 2.300 tín đồ. Hội thánh này không phân cấp quản lý mà tổ chức theo từng nhóm, không có chức sắc lãnh đạo chung.

Hoạt động của Hội giống như hình thức bán hàng đa cấp. Theo đó, họ tuyển chọn, đào tạo ra những “hạt nhân” là những đối tượng khéo ăn nói, vận động để trở thành những trưởng nhóm. Trưởng nhóm có trách nhiệm vận động để kết nạp những thành viên mới. Cứ được 10 người trở lên là có thể tổ chức giảng đạo và các thành viên trong nhóm ấy lại tiếp tục nhiệm vụ đi kêu gọi, vận động thành viên mới để “lên chức” Trưởng nhóm.

Đáng chú ý, các đối tượng được xem chủ chốt trong “Hội thánh Đức Chúa Trời” thường lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng đa cấp, trung tâm từ thiện, nhân đạo trá hình... với mục đích là tuyên truyền, phát triển tổ chức.

Như ở Hải Phòng, thông tin từ cơ quan Công an cho thấy, qua công tác điều tra cơ bản và đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật, lực lượng chức năng đã phát hiện người đứng đầu tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” ở địa phương này là Đàm Văn Mạnh (29 tuổi, ở thôn Hầu, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên). Mạnh là lao động tự do nhưng lại núp bóng Giám đốc chi nhánh một công ty chuyên bán hàng đa cấp ở khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội).

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều tín đồ “Hội thánh Đức Chúa Trời” cho biết: khi đến nghe giảng đạo, họ đều phải “tự nguyện” cho tiền vào phong bì đã in sẵn chữ “Cha mẹ yêu anh em rất nhiều” do người giúp việc của Trưởng nhóm đưa; mỗi ca nghe giảng đạo 2 giờ là 50 nghìn đồng, có những người tham gia một ngày 3 ca thì nộp 150 nghìn đồng. Còn với những người ở lại luôn thì sẽ được Trưởng, phó nhóm bố trí hằng ngày đi chạy xe ôm (nam giới); nữ thì đi bán bóng bay; bán mỹ phẩm… cuối ngày về cho tiền vào phong bì rồi nộp cho Trưởng nhóm. Những ai vẫn đi làm ở những nơi khác mà tham gia Hội thì nộp 10% tổng thu nhập/tháng.

Hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời” đã và đang làm hàng nghìn gia đình ly tán, giới trẻ đánh mất tương lai. Trước các hoạt động của Hội, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng cũng đã kiên quyết đấu tranh. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện nhiều loại truyền đạo trái pháp luật đã bị đấu tranh bài trừ. Đáng chú ý là đạo Hà Mòn từng gây mất an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Tin theo đạo này, nhiều gia đình đồng bào DTTS đã bỏ rẫy, bỏ vườn, không cho con cái học hành, chỉ cầu nguyện để được sớm lên thiên đường. Năm 2013, Y Gyin, “thủ lĩnh” của đạo Hà Mòn, đã bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt 3 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

KHÁNH THƯ