Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cao Bằng: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ hiệu quả đào tạo nghề

Lê Tuấn - 15:42, 06/12/2024

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tại, dịch bệnh nhưng những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh Cao Bằng vẫn tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Đóng góp vào kết quả này của tỉnh có vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động người DTTS từ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025.

(Ban Chuyên đề - Bài CĐ Ban Dân tộc Cao Bằng) Cao Bằng: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ hiệu quả đào tạo nghề
Trong công tác đào tạo nghề, tỉnh Cao Bằng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. (trong ảnh: Ngày hội việc làm: Tư vấn – Định hướng nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Cao Bằng năm 2024)

Tư vấn trước khi thực hiện đào tạo nghề

Ngày 14/10/2024, Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại xã Sơn Lập của huyện Bảo Lạc. Đây là hoạt động được triển khai từ vốn lồng ghép Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Băng.

Tại buổi tuyên truyền ở Sơn Lập, 45 lao động đến từ 5 xóm trên địa bàn xã đã được báo cáo viên tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT thuộc các Chương trình MTQG và kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 – 2025.

Theo ông Hoàng Ngọc Tình, Chủ tịch UBND xã Sơn Lập, việc triển khai tuyên truyền chính sách pháp luật về đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT có ý nghĩa rất thiêt thực đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa như Sơn Lập. Qua đó, mỗi lao động sẽ hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của tỉnh, từ đó chọn được một nghề phù hợp với năng lực để áp dụng vào thực tiễn, có điều kiện để vươn lên.

Cũng như ở xã Sơn Lập của huyện Bảo Lạc, thời gian qua, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng đã được tiếp cận thông tin về chính sách pháp luật về đào tạo nghề cho LĐNT. Đây là hoạt động thuộc Tiểu dự án - Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719 và Tiểu dự án 1 – Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, năm 2024, toàn tỉnh Cao Bằng phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho 6.000 người; trong đó, trình độ trung cấp 500 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 5.500 người. Tỉnh phấn đấu hết năm 2024 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 50,9%, trong đó, đào tạo nghề đạt 38,8%, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,3%.

Để đạt các chỉ tiêu này, thời gian qua, các sở ngành, địa phương liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tư vấn, hướng dẫn các đoàn viên, hội viên nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của tỉnh. Từ đó góp phần đem lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

(Ban Chuyên đề - Bài CĐ Ban Dân tộc Cao Bằng) Cao Bằng: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ hiệu quả đào tạo nghề 1
Lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông cụ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hạ Lang.

Riêng trong năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa ngành nghề cho gần 5.000 LĐNT. Trong đó, với 11 tỷ đồng vốn từ các Chương trình MTQG, năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 119 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 3.519 LĐNT, vượt 55% kế hoạch năm.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tiếp nối thành quá từ những năm trước, trong năm 2024, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai. Với việc chú trọng đa dạng hóa các ngành nghề, tư vấn chuyển đổi ngành nghề phù hợp, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động nói chung và LĐNT nói riêng.

Đơn cử, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2024, huyện Nguyên Bình tổ chức 30 lớp dạy nghề sơ cấp, trung cấp, đào tạo thường xuyên cho hơn 1.400 LĐNT thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào DTTS, NLĐ có thu nhập thấp. Ngoài các nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, một số nghề phi nông nghiệp cũng thu hút lao động nông thôn tham gia học.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình, trong quá trình triển khai, ngoài tuyên truyền chính sách thì đơn vị phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để xây dựng các mô hình đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời chú trọng công tác kết nối, giới thiệu việc làm cho học viên sau đào tạo.

Công tác đào tạo nghề sát với thực tế, gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 – 2023, kinh tế vùng đồng bào DTTS của tỉnh tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng cơ cấu kinh tế vẫn tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 3,31%/năm. Năm 2023, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 21,21%, giảm 1,88% so với năm 2020; tỷ trọng dịch vụ chiếm 56,83%, tăng 3,58% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 41,49 triệu đồng/người/năm, tăng 16% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4 %.

(Ban Chuyên đề - Bài CĐ Ban Dân tộc Cao Bằng) Cao Bằng: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ hiệu quả đào tạo nghề 2
Lớp tập huấn tiêm phòng cho vật nuôi tại xã Đa Thông, huyện Hà Quảng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn, ngày 10/10/2024, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 375-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh ủy Cao Bằng yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số ở khu vực nông thôn, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngày 12/11/2024, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch số 3058/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 375-KH/TU của Tỉnh ủy. UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm đào tạo cho 6.000 người lao động, trong đó, khoảng 60% LĐNT tham gia học nghề ở các cấp trình độ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là chỉ tiêu trong kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Trong quá trình triển khai Tiểu dự án 3 của Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, theo dánh giá của UBND tỉnh Cao Bằng, mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học còn thấp, ảnh hưởng tới công tác chiêu sinh, khó thu hút học viên thuộc đối tượng tham dự. Ngoài ra, nguồn kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên không giải ngân được, do không phải là đối tượng thụ hưởng kinh phí đầu tư của Chương trình MTQG 1719.

Tin cùng chuyên mục
Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đọc nhiều