Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở
Hoàn cảnh gia đình chị Lê Thị Liên (dân tộc Thổ), là một trong những hộ nghèo ở xóm Tân, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cũng khá đặt biệt, vợ chồng chị đã ly hôn, chị Liên một mình nuôi 2 con đang tuổi ăn tuổi học nên việc tích lũy để làm nhà ở kiên cố đối với chị là quá sức.
Khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, gia đình chị Liên ở được xét đưa vào diện được hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1.Theo quy định, chị Liên được hỗ trợ 50 triệu đồng gồm nguồn ngân sách trung ương và các nguồn của địa phương để xây dựng nhà mới. Cuối năm 2022, chính quyền địa phương cùng anh em họ hàng, đã hỗ trợ chị Liêm thêm ngày công. Theo đó, ngôi nhà “3 cứng” của mẹ con chị Liên được khởi công xây dựng, rồi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Phấn khởi hơn, có nhà “an cư”, chị Liên còn xin được việc tại nhà máy may xã Nghĩa Long. Mới đây, chị Lê Thị Liên đã làm đơn xin thoát nghèo.
"Bây giờ mẹ con chị Liên đã có nhà kiên cố để ở, có việc làm và thu nhập ổn định nên chị ấy đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo", bà Trương Thị Vân Anh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nghĩa Đàn thông tin.
Tương tự, từ nguồn ngân sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, gia đình bà Trương Thị Chú và ông Hà Chí Thành (Dân tộc thổ) ở xóm Làng Nung, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn cũng đã được “an cư” trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ công năng.
Từ nhiều năm trước, do tuổi già cùng với căn bệnh tai biến của ông, đã đẩy vợ chồng bà vào hoàn cảnh hộ nghèo. Chuyện tích góp sửa chữa căn nhà tạm để “an cư” tuổi già trở nên cấp bách, nhưng với hoàn cảnh của ông bà, đây là vấn đề không thể thực hiện được.
Khi nguồn vốn hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 được phân bổ. Chính quyền xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn đã đưa hộ gia đình ông Hà Chí Thành, bà Trương Thị Chú vào danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở. Tiền từ nguồn hỗ trợ nhà ở cùng với sự góp sức của các con, ông Thành bà Chú đã xây dựng xong căn nhà kiên cố với đầy đủ công năng sử dụng.
Theo kết quả khảo sát hộ nghèo năm 2024 của UBND xã Nghĩa Đức, gia đình ông Thành, bà Chú ở xóm Làng Nung cũng đã chính thức thoát khỏi hộ nghèo.
Bà Trương Thị Vân Anh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nghĩa Đàn thông tin: Tính đến 20/11/2024, nguồn vốn hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 đã được huyện Nghĩa Đàn giải ngân 100%. Toàn huyện đã có 13/13 hộ thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở được vào “an cư” trong nhà kiên cố.
Điều đáng mừng là, trong số 13 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Nếu cuối năm 2021, vùng đồng bào DTTS ở Nghĩa Đàn có tỷ lệ hộ nghèo cao (8,3%), thì đến cuối năm 2024, tỷ lệ này chỉ còn 2,46%.
Hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề giúp đồng bào nâng cao thu nhập
Ngoài được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, gia đình ông Hà Chí Thành, bà Trương Thị Chú ở xóm Làng Nung, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn còn được hỗ trợ 3 con dê giống để làm sinh kế.
Nhờ được chăm sóc tốt và phòng tránh bệnh đúng kỹ thuật nên dê giống cấp cho gia đình ông Thành sinh trưởng tốt. Hiện 2 con dê mẹ của gia đình đã gần đến thời kỳ sinh sản lứa đầu.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, bà Trương Thị Chú cho biết: “Mỗi ngày bà thả dê ra đồi chăn 2 tiếng đồng hồ. Tối về, bà cho ăn thêm cỏ sữa, lá mía…; bà chăm sóc đúng theo hướng dẫn của cán bộ dự án, nhờ vậy hiện 2 con dê mẹ đã gần sinh lứa đầu, con dê đực cũng đã tăng cân nhiều rồi”.
Theo nhiều người dân ở xã Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn, dê là loài vật nuôi sinh sản nhanh, đầu ra ổn định nên có hiệu quả kinh tế cao. Mỗi lần sinh, dê mẹ thường sinh 2 con. Từ 4 – 6 tháng sau khi sinh, dê con có trọng lượng từ 15-20kg, và có thể trở thành dê thương phẩm.
Nếu mỗi con dê mẹ sinh 2 con, đến cuối năm nay gia đình ông Thành, bà Chú ở xóm Làng Nung có thêm 4 con dê con, nâng tổng đàn lên 7 con. Nếu chăm sóc tốt, đến tháng 06 năm sau, gia đình ông Thành, bà Chú có thể thu về gần 10 triệu đồng, từ nguồn bán 4 con dê con thương phẩm.
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế của Chương trình MTQG 1719, ở địa bàn xã Nghĩa Đức còn có 6 hộ gia đình khác được nhận dễ giống về nuôi. Đến nay, tất cả dê giống được cấp cho các hộ đồng bào DTTS ở xóm Làng Nung nuôi đều phát triển tốt.
Đặc biệt, đã có 2/7 hộ nhận nuôi, dê đã sinh sản lứa đầu. Mô hình sinh kế nuôi dê sinh sản ở xóm Làng Nung cũng đã giúp hộ gia đình ông Lục Đình Tăm từ hộ nghèo vươn lên hộ cận nghèo.
Cùng với hỗ trợ sinh kế, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã tổ chức mở 68 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 2.036 học viên người DTTS. Có nghề trong tay, lao động người DTTS ở huyện Nghĩa Đàn tự tin hơn trong quá trình tìm việc làm, nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cũng đang được địa phương triển khai hiệu quả, theo đó, nhiều lao động đồng bào DTTS ở Nghĩa Đàn cũng đã tham gia xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào DTTS ở huyện Nghĩa Đàn đã tăng lên nhanh chóng, đạt 50,4 triệu đồng/người/năm.
Có thể khẳng định, sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình MTQG 1719 đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến mọi mặt trong đời sống vùng DTTS ở huyện Nghĩa Đàn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Nghĩa Đàn, từng bước được đồng bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự phát triển toàn diện. Hai chỉ số quan trọng, là tỷ lệ hộ nghèo, và thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi thực sự đã được cải thiện nhiều so với trước.