Đoàn công tác đã tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, có nguy cơ cao lây nhiễm; lấy 8 mẫu bệnh phẩm các thành viên trong gia đình, trực tiếp cho các trường hợp tiếp xúc gần uống thuốc điều trị dự phòng. Đồng thời, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà và cấp phát thuốc điều trị dự phòng cho gia đình bệnh nhân, khi có các biểu hiện như ho, sốt, đau họng cần đến y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Chỉ đạo Trạm Y tế xã Thạch Lâm phối hợp với Trường Tiểu học, THCS xã Thạch Lâm, Điểm trường Khau Noong lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân H., phun khử trùng xử lý môi trường tại các lớp học, khuôn viên trường học, vệ sinh đồ dùng học tập; chỉ đạo phối hợp với trường học cho những học sinh tiếp xúc với bệnh nhân uống kháng sinh dự phòng. Đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh và gia đình theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện bất thường cần thông báo cho Trạm Y tế xã.
Ngày 23/11/2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương qua xét nghiệm đã xác định mẫu bệnh phẩm 1 trường hợp tử vong tại xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) dương tính với bệnh bạch hầu.
Đến thời điểm này, các bước triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh bạch Hầu tại xã Thạch Lâm đã thực hiện nhanh chóng, kịp thời, nhằm ngăn chặn không để bệnh lây lan ra thành dịch trong cộng đồng. Hiện chưa ghi nhận thêm trường hợp nào tại xóm Khau Noong và trường học của bệnh nhân H. cũng như Khoa truyền nhiễm - nơi bệnh nhân điều trị có các biểu hiện của bệnh.
Tuy nhiên, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn bạch hầu gây ra, có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch. Dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể sẽ xuất hiện thêm một số ca bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cần phối hợp với địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế các tuyến, trong đó cả y tế thôn bản. Trung tâm Y tế, Trạm Y tế xã cần sẵn sàng các điều kiện về thiết bị, thuốc, vật tư y tế để thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng tránh lây nhiễm chéo khi có ca bệnh. Trong trường hợp vượt quá khả năng cần báo ngay để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và cơ sở y tế tuyến trên hỗ trợ kịp thời, đảm bảo tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe và điều trị cho bệnh nhân.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan y tế, trường học và gia đình các học sinh đã tiếp xúc với bệnh nhân, giám sát, theo dõi chặt chẽ những biểu hiện sức khỏe, khi phát hiện có dấu hiệu bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời; tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân, nhất là địa bàn bệnh nhân sinh sống và các vùng lân cận về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh bạch hầu đối với sức khỏe và tính mạng của người dân, để nâng cao ý thức, nhận thức trong tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trước đó, cháu bé Giàng Mí H. (sinh năm 2013), dân tộc Mông, trú tại Khau Noong, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) có dấu hiệu bị ho cách đây 1 tháng, gầy sút cân kèm theo sốt nhưng vẫn đi học bình thường. Khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, H. bị ho nhiều kèm theo đờm có lẫn máu, khó thở, người mệt không ăn uống được, ở nhà đã uống thuốc nhưng không đỡ. Đến ngày 20/11, gia đình đưa cháu H. đến Trung tâm Y tế (TTYT) huyện để khám và điều trị. Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, theo dõi lao phổi/chưa phân loại bạch hầu, nấm hầu họng, đau bụng chưa xác định và được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm theo phác đồ điều trị. Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, ngay sau đó, TTYT huyện đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và lấy mẫu dịch họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Quá trình điều trị bệnh diễn biến nặng, đến 20h30' ngày 21/11, bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim. Mặc dù y, bác sĩ đã tiến hành cấp cứu nhưng không có kết quả, bệnh nhân tử vong 21h00' cùng ngày.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác gồm Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Nhi Trung ương sẽ đến huyện Bảo Lâm để chỉ đạo, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.