Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Cao Bằng: Niềm vui từ những dự án ổn định dân cư

Hoàng Phúc - 15:05, 12/12/2022

Di dãn dân ra biên giới, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần ổn định, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Trong những năm qua, cùng với nhiều địa phương khác, tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, thực hiện công tác di dãn dân ra khu vực biên giới. Đến nay, cơ bản đời sống của người dân ở những xóm mới sát biên giới đã dần có những thay đổi tích cực, tạo nên một sức sống mới nơi miền biên viễn.

Một góc xã biên giới Cốc Pàng
Một góc xã biên giới Cốc Pàng

Chính sách “ấm lòng dân"

Vùng biên giới Việt - Trung của tỉnh Cao Bằng có 40/161 xã, thị trấn với 374 xóm trên địa bàn 7/10 huyện, thành phố; có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài trên 333km; diện tích tự nhiên các xã biên giới 158.465ha, chiếm 23,7% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số 111.371 người, chiếm khoảng 21,6% dân số toàn tỉnh, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 chiếm 26,07%, tình trạng xâm canh tại một số điểm vẫn diễn ra, hằng năm xảy ra tình trạng dân di cư tự do.

Giai đoạn 2010 - 2020, thực hiện chủ trương, chính sách về bố trí, ổn định dân cư tại các xã biên giới Việt - Trung, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ trực tiếp cho 228 hộ dân, trong đó, di dân tập trung vào vùng dự án là 32 hộ, di dân xen ghép là 196 hộ với tổng kinh phí thực hiện trên 9 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng 13 dự án di dân ra biên giới. Các dự án bố trí ổn định dân cư đều tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, nhà văn hóa; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, phát triển sinh kế, liên kết sản xuất… 

Nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các hộ dân khi di giãn dân ra biên giới, đến nay, cuộc sống của bà con đã cơ bản ổn định. Qua đó, đồng bào vùng biên đã góp phần thực hiện tốt các chương trình, chính sách đảm bảo ổn định an ninh vùng biên giới, khắc phục được tình trạng di cư tự do, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để Nhân dân vùng di giãn dân tập trung sản xuất, tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục  triển khai những chính sách hỗ trợ người dân ở các xóm di dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Ưu tiên các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng bố trí dân cư phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư đồng bộ một số công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và công trình phúc lợi gồm, đường giao thông, trường học, điện, nước sinh hoạt, ưu tiên chương trình đầu tư phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc, vùng dân cư biên giới ổn định đời sống và sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng GĐ Agribank trao tặng bò cho các hộ gia đình Tại Hà Quảng (Cao Bằng)
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trao tặng bò cho các hộ gia đình tại Hà Quảng (Cao Bằng)

Vùng biên viễn “thay áo mới”

Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, với đường biên dài trên 53km gồm 5 xã biên giới là Cốc Pàng, Cô Ba, Thượng Hà, Xuân Trường và Khánh Xuân, trong đó có hơn 3.700 hộ và gần 19.000 nhân khẩu, chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô sinh sống xen kẽ.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện Bảo Lạc đã triển khai khá tốt việc di dân ra biên giới. Thông qua Chương trình 135 hỗ trợ sản xuất, chương trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và một số chương trình khác của tỉnh, các hộ dân được hỗ trợ theo chính sách di dân, được đảm bảo đời sống sản xuất ở khu vực biên giới, góp phần cùng các lực lượng khác giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Đơn cử như, gia đình ông Khìn Văn Tuấn là một trong 7 hộ dân đầu tiên của xóm Nà Mìa, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc tình nguyện đăng ký di chuyển đến xóm mới ở khu vực biên giới để sinh sống từ năm 2018. Khi quyết định chuyển tới xóm mới này, gia đình ông Tuấn được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Có nhà ổn định, gia đình ông tiếp tục tham gia vào các dự án trồng rừng để phát triển kinh tế. Với phần đất rừng được phân, gia đình ông đã trồng các loại cây như sa mộc, thông, có thêm điều kiện để cải thiện thu nhập ở vùng đất mới.

Ông Khìn Văn Tuấn cho biết: “Chuyển đến chỗ mới rồi được sự quan tâm của Nhà nước, có nhiều cái làm ăn, gia đình cũng dần dần ổn định, đời sống đi lên. Nhiều hộ trong xóm cũng dần đủ ăn, đủ mặc, con cháu được đến trường đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn. Chúng tôi ở trên này, nương rẫy gắn liền với đường biên rồi, nhiều lúc đi nương, đi rẫy,  cũng tiện lên xem cột mốc, nếu bị xâm phạm hoặc có vấn đề gì, chúng tôi sẽ thông tin ngay với các đồng chí đồn biên phòng để nắm tình hình”. 

 Trong giai đoạn 2021- 2030, huyện Bảo Lạc sẽ tiếp tục triển khai chính sách di dân ra biên giới theo Quyết định số 560/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình) của Thủ tướng chính phủ. 

Theo đó, huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bà con nhân dân triển khai các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ giống cây trồng phù hợp với khu vực biên giới;  khuyến khích bà con nhân dân tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất hiện đang có hiệu quả và đem lại thu nhập.

Ngôi nhà khang trang của anh Khìn Văn Tuấn - một trong 7 hộ dân đầu tiên của xóm Nà Mìa, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc tình nguyện đăng ký tới xóm mới khu vực biên giới để sinh sống (ảnh Đài PTTH CB)
Ngôi nhà khang trang của ông Khìn Văn Tuấn - một trong 7 hộ dân đầu tiên của xóm Nà Mìa, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc tình nguyện đăng ký tới xóm mới khu vực biên giới để sinh sống (ảnh Đài PTTH CB)

Tiếp sức cho vùng biên

Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến lược quan trọng của Tổ quốc,  Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 799 đã trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất, trồng, bảo vệ rừng..., góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập người dân; phối hợp với các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân.

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, Đoàn KT-QP 799 đầu tư xây dựng trên địa bàn 3 huyện (Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc) và 8 bản biên giới, giúp ổn định cuộc sống cho hơn 900 hộ dân; 11 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 53 km, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa; 10 công trình thủy lợi với gần 20 km kênh mương dẫn nước, phục vụ tưới cho hơn 100 ha ruộng lúa và hoa màu; 5 công trình nước sinh hoạt; 4 điểm trường tiểu học, mầm non và một số công trình khác như nhà văn hóa, trạm y tế thôn bản... với tổng giá trị đầu tư gần 200 tỷ đồng. 

Các công trình được đầu tư xây dựng cải thiện điều kiện hạ tầng cơ sở nông thôn, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, phục vụ hiệu quả đời sống sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân và học tập của các em học sinh; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, canh tác nông nghiệp, cung cấp các loại cây, con giống có chất lượng, tăng diện tích đất canh tác, tăng độ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái. 

Đồng thời, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng di cư tự do của đồng bào các DTTS, đóng góp đáng kể vào tỷ lệ giảm nghèo, và kết quả thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong vùng dự án.

Mô hình trồng rau sạch kiểu mẫu của lực lượng Đoàn kinh tế- Quốc phòng tại vùng biên
Mô hình trồng rau sạch kiểu mẫu của Đoàn Kinh tế- Quốc phòng tại vùng biên giới Cao Bằng

Đơn vị hỗ trợ Nhân dân khai hoang, cải tạo trên 580 ha đất canh tác; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng thành công một số mô hình như: trồng 60 ha cây ăn quả, 70 ha ngô, lúa lai, trồng 80 ha hồi, trồng 29 ha dâu, trồng mới hơn 1.400 ha rừng phòng hộ, bảo vệ trên 4.500 ha rừng tự nhiên... trị giá hơn 40 tỷ đồng. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4.000 lượt hộ nghèo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái.

Có thể thấy, bằng việc gắn di dân với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương không chỉ khắc phục được tình trạng di cư tự do mà còn thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, phát huy được sức mạnh quốc phòng toàn dân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cuộc sống mới ở vùng biên đang dần có những khởi sắc, đó sẽ là động lực để nhân rộng và xây dựng những vùng đất mới thêm ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.