Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Địa phương

Góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

PV - 10:05, 02/12/2022

Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả. Đây là một trong những chính sách đặc thù giúp đồng bào các DTTS rất ít người vươn lên thoát nghèo, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Phụ nữ Lô Lô Đen ở Cao Bằng thi thêu thổ cẩm
Phụ nữ Lô Lô Đen ở Cao Bằng thi thêu thổ cẩm

Đồng bào dân tộc Lô Lô có 536 hộ/2.773 nhân khẩu, cư trú chủ yếu tại 11 xóm thuộc 4 xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án được triển khai ở vùng DTTS và miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc Lô Lô đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt là Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc Lô Lô, nhất là việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

Thực hiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phối hợp với các sở, ngành và UBND 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm tham mưu UBND tỉnh theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tại chỗ, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào của DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện Bảo Lâm có 230 hộ/1.244 nhân khẩu đồng bào dân tộc Lô Lô thuộc 4 xóm: Cà Đổng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B, Cà Mèng (xã Đức Hạnh) thuộc đối tượng được thụ hưởng đề án. Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh Hà Văn Thài cho biết: Nhiều năm qua, cùng với tỉnh, huyện, xã đã có nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội cho người Lô Lô. Từ nguồn kinh phí của Quyết định số 2086, tỉnh hỗ trợ 150 con bò, hỗ trợ xây dựng 80 chuồng gia súc. Mỗi xóm được hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư trồng hồi, sở lấy tinh dầu. Hỗ trợ trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng mua tăng âm, loa truyền thanh thu phát trên nóc nhà văn hóa; thành lập và duy trì đội văn nghệ, khôi phục sản xuất nhạc cụ, trang phục dân tộc cho 4 xóm. Cùng với hỗ trợ sản xuất, xã được hỗ trợ đầu tư làm đường nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà công vụ giáo viên xóm Cà Đổng và Cà Pẻn A.

Gắn bó với nghề chăn nuôi bò nhưng anh Hoàng Văn Phúng, xóm Cà Đổng trước đây vẫn quen với việc làm chuồng chăn nuôi sơ sài và tập quán chăn thả rông gia súc. Phương thức chăn nuôi này khiến đàn bò của gia đình thường xuyên bị bệnh, nhất là vào mùa mưa. Để bỏ ra một số tiền lớn xây dựng chuồng trại là không dễ với một gia đình khó khăn. Khi được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng xây chuồng trại, anh di dời chuồng chăn nuôi ra xa nhà ở, bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ. Cùng với hỗ trợ làm chuồng chăn nuôi, gia đình anh còn được hỗ trợ hơn 1.000 cây hồi giống, hiện cây đang phát triển tốt. Được Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh có cơ hội mở rộng sản xuất, anh mong muốn Nhà nước có phương án hỗ trợ đầu ra, bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài để bà con yên tâm sản xuất.

Thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, tỉnh được phê duyệt nguồn kinh phí trên 40 tỷ 782 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trên 36 tỷ 933 triệu đồng (vốn sự nghiệp trên 11 tỷ 398 triệu đồng, vốn đầu tư 25 tỷ 535 triệu đồng); nguồn ngân sách địa phương trên 2 tỷ 764 triệu đồng (vốn đầu tư), còn lại là nguồn khác (đối ứng của nhân dân). Từ nguồn vốn, tỉnh đầu tư 5 dự án hạ tầng cơ sở: đường, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà công vụ giáo viên, công trình cấp nước sinh hoạt tại các xóm đồng bào dân tộc Lô Lô: Cà Đổng, Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm); Khau Chang, Khau Cà, xã Hồng Trị; Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc). Đến nay, các hạng mục đầu tư đã hoàn thành.

Tỉnh Cao Bằng chú trọng phát triển kinh tế từ nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững
Tỉnh Cao Bằng chú trọng phát triển kinh tế từ nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, tỉnh hỗ trợ 1.079.316 cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao (quế, hồi, sở); 354 con bò cái sinh sản, làm chuồng chăn nuôi; mua tăng âm, loa truyền thanh; hỗ trợ thành lập và duy trì đội văn nghệ; khôi phục sản xuất nhạc cụ, trang phục dân tộc cho 11 xóm; nghiên cứu, phục dựng lễ hội dân tộc Lô Lô, nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh, bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); tổ chức truyền dạy tiếng dân tộc Lô Lô.

Những nội dung hỗ trợ của Đề án giúp đồng bào dân tộc Lô Lô thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, ổn định dân cư; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Các công trình hạ tầng cơ sở và hỗ trợ sản xuất được hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Về cuộc sống của đồng bào Lô Lô, ông Chi Viết Hải, Người có uy tín xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) nhấn mạnh: Nguồn kinh phí thực hiện theo Quyết định số 2086 với sự quan tâm đầu tư hỗ trợ mang tính đặc thù đã tạo điều kiện để địa phương mở lớp dạy nghề, khơi dậy ý thức giữ gìn, khôi phục nghề truyền thống gắn liền với đời sống, bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện xóm có 1 tổ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Lô Lô với trên 20 người tham gia, đến nay, nhiều người đã thành thạo nghề dệt, một số sản phẩm thổ cẩm được đặt mua hoặc bán ra thị trường. Ngoài ra, xóm được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, hội họp. Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đặc biệt là Quyết định số 2086, đời sống của đồng bào Lô Lô trong xóm có nhiều khởi sắc. Đến nay, số hộ nghèo giảm còn 21 hộ.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tích hợp cả chính sách cho đồng bào DTTS rất ít người là đồng bào dân tộc Lô Lô theo Quyết định số 2086 và các chương trình, chính sách dân tộc khác, Ban Dân tộc tỉnh rà soát toàn bộ từ hạ tầng cơ sở đến hỗ trợ sản xuất, những phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc Lô Lô để tổ chức thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc Lô Lô, góp phần giúp đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.