Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cao Bằng: Phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

Minh Thu - 11:57, 07/11/2022

Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Nhiều chương trình chính sách dân tộc, cùng các chương trình MTQG được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng bào Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo lạc được hỗ trợ khung cửi dệt vải thổ cẩm truyền thống
Đồng bào Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo lạc được hỗ trợ khung cửi dệt vải thổ cẩm truyền thống

Chính sách dân tộc - động lực giúp đồng bào xoá đói giảm nghèo

Trước đây, nhiều xóm đồng bào dân tộc Lô Lô ở hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm là những xóm nghèo, từ khi được hỗ trợ theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”, đến nay, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc. Từ việc triển khai các chính sách đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, đời sống đồng bào Lô Lô có nhiều đổi thay, số hộ nghèo giảm qua từng năm. Các sản phẩm độc đáo như dệt thổ cẩm của bà con đang được nhiều du khách biết đến. Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm được hỗ trợ sản xuất, cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Chị Chi Thị Tuyết, ngụ xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng - một trong 50 hộ dân được học nghề dệt thổ cẩm truyền thống bộc bạch: “Năm 2019, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ dạy nghề dệt hoa văn trên khăn, áo. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có điều kiện để phát triển nghề dệt này bởi chưa có nguồn sợi bông để làm ra thành phẩm. Chúng tôi mong được hỗ trợ sợi bông để dệt vải. Như vậy, chúng tôi vừa có thể sử dụng sản phẩm truyền thống do chính mình làm ra, vừa có thể bán được sản phẩm”.

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống như dệt tổ cẩm cho đồng bào Lô Lô, hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đồng bào Lô Lô cũng được quan tâm. Trong năm 2020 – 2021, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư gần 7 tỷ đồng triển khai 5 công trình đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu. Đầu tư 3 dự án ổn định dân cư biên giới xóm Lũng Mần và cụm dân cư Lũng Pịa; ổn định dân cư biên giới xóm Nà Chào được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Trung ương 25 tỷ đồng. Đầu tư 30 tỷ đồng thực hiện 3 dự án: Bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ; xóm Cốc Ngòa, Riềng Thượng, xã Hưng Đạo; xóm Nặm Dạng, Pò Làng, xã Quang Trọng.

Từ nguồn vốn do Trung ương cấp, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là 3 xóm: Khau Cà, Khuổi Khon, Cà Đổng. Theo đó, mỗi xóm được hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu, vì đây là những loại cây trồng hợp thổ nhưỡng của địa phương. Từ việc thực hiện hiệu quả Quyết định này, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc đã được hỗ trợ sản xuất, cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Ông Chi Viết Hải, Người có uy tín ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc cho biết: Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đời sống của đại bộ phận đồng bào Lô Lô trong xóm đã có bước phát triển, số hộ nghèo hiện còn 21/110 hộ. Hiện xóm có 1 Tổ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Lô Lô với trên 20 người tham gia. Một số sản phẩm thổ cẩm đã được đặt mua hoặc bán ra thị trường. Ngoài ra, xóm còn được hỗ trợ xây dựng Nhà Văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp.

Ở bản Lũng Củm, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, mấy năm gần đây, đồng bào Dao đỏ đã dần xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng vào sản xuất. Được sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chương trình, chính sách dân tộc, đến nay, 100% hộ trong xóm tham gia trồng lạc hàng hóa. Cùng đó, đồng bào đầu tư trồng cỏ voi, chăn nuôi bò vỗ béo. Nhiều hộ có thu nhập trung bình 20 - 40 triệu đồng/năm, thu nhập từ trồng lạc cao hơn 2 - 3 lần so với trồng lúa. Lũng Củm hiện chỉ còn 10 hộ nghèo (giảm 9 hộ nghèo so với năm 2016).

Cán bộ xã Trường Hà, huyện Hà Quảng hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi
Cán bộ xã Trường Hà, huyện Hà Quảng hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi

Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hà Quảng đã đầu tư trên 1.012 tỷ đồng xây mới, sửa chữa, nâng cấp 619 công trình hạ tầng nông thôn. Trong đó, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 8 công trình trường học. Hỗ trợ thực hiện 2 mô hình trồng gừng trâu, lúa Đoàn Kết thương phẩm với quy mô hơn 160ha theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Đến cuối năm 2021, đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều bước chuyển đáng mừng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 28% (giảm 4% so cuối năm 2020).

Tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

Báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng về đánh giá tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc những tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho thấy: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5,46%, tăng 1,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2021 tốc độ tăng trưởng đạt 4,23%). Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất, tăng 12,44%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%; khu vực dịch vụ tăng 4,16%.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm của địa phương, các chương trình, chính sách dân tộc đến được các xóm, bản đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đến nay, diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh có nhiều đổi thay. Hộ nghèo giảm 4%/năm (5.196 hộ), đào tạo nghề cho 3.500 người DTTS, trên 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 99,4% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% đường liên xã được thông tuyến, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 91% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, gần 91% hộ sử dụng điện, trên 93% hộ được xem truyền hình, 2.600 hộ di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh luôn đồng hành cùng các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Từ việc nhận diện đúng, đầu tư hiệu quả và thực hiện các chính sách dân tộc trên cơ sở lồng ghép các dự án, chương trình hỗ trợ vùng đồng bào DTTS mà đời sống của người dân đã được nâng cao. Nhiều chương trình, chính sách đã được triển khai phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được người dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Nhờ vậy, bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, từ đó thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Với Chương trình MTQG, vùng đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng đang có nhiều cơ hội bứt phá, vươn lên
Với Chương trình MTQG, vùng đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng đang có nhiều cơ hội bứt phá, vươn lên

Trong giai đoạn 2021-2025, triển khai giai đoạn 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng xác định đây là một nguồn lực hết sức sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh Cao Bằng đã bám sát các văn bản của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành; phân công nhiệm vụ rõ ràng trong triển khai thực các nội dung Chương trình. Qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống Nhân dân trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. 

Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư các chương trình, dự án phù hợp vớỉ điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của từng vùng, từng dân tộc. Ưu tiên phát triển, đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư cư trú phân tán ở xóm vùng cao, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.

“Với nguồn lực đầu tư từ chương trình MTQG, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Bế Văn Hùng cho biết thêm.