Tuy nhiên, hiện vẫn còn những vướng mắc, cả trong nội dung lẫn hình thức cấp phiếu LLTP.
Theo quy định của Luật LLTP năm 2009, phiếu LLTP gồm có 02 loại: phiếu LLTP số 1 và phiếu LLTP số 2. Cả hai loại phiếu đều có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ…
Phiếu LLTP số 1, là phiếu ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa. Phiếu LLTP số 1 cấp cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…
Còn phiếu LLTP số 2 là phiếu ghi đầy đủ các án tích, cả án tích chưa được xóa lẫn án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…; Phiếu LLTP số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cấp cho cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình.
Như vậy, khác với phiếu LLTP số 1 (không bị giới hạn bởi mục đích cấp phiếu), phiếu LLTP số 2 được cấp cho cá nhân bị giới hạn bởi mục đích cấp. Mục đích cấp phiếu LLTP số 2 cho cá nhân trong Luật LLTP chỉ nhằm cho cá nhân biết được cơ quan LLTP đang quản lý những thông tin LLTP nào của mình, không nhằm phục vụ các yêu cầu của cá nhân tham gia các quan hệ pháp lý trong đời sống xã hội. Điều này phù hợp với quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, giúp tái hòa nhập cộng đồng cho người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích.
Tuy nhiên, lâu nay quy định về quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 đang bị lạm dụng, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm LLTP quốc gia, năm 2011, toàn quốc chỉ có hơn 03 nghìn yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2, chiếm tỷ lệ 2,5% tổng số yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Nhưng trong năm 2016, toàn quốc đã có hơn 96 nghìn yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2…
Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia cho rằng, khi mà công dân đã phạm tội và được xóa án tích thì phải được bảo đảm quyền bí mật đời tư, quyền được hòa nhập với cộng đồng, quyền được tham gia các sinh hoạt nghề nghiệp và sinh hoạt xã hội khác. Tuy nhiên, với việc phiếu LLTP số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân khi tái hòa nhập cộng đồng, khó khăn, thậm chí mất cơ hội khi đi du học, xin việc làm, xuất cảnh…
Vướng mắc trong quy định về quyền được yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 nêu trên đã ảnh hưởng tới những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của chính ngành tư pháp. Rõ nhất là, trong việc thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 8/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính.
Theo Đề án thí điểm, để tạo điều kiện cho người dân không phải đi lại, tốn kém chi phí, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, ngành tư pháp sẽ thực hiện cấp LLTP qua hệ thống bưu điện. Sau khi có phiếu mẫu, người dân sẽ kê khai tại nhà, sau đó gửi qua bưu điện; khi có kết quả nhân viên bưu điện sẽ trả phiếu về tận nhà.
Tuy nhiên, quy định của việc trả phiếu LLTP số 2 là chỉ được giao tận tay cho người yêu cầu cấp phiếu, không được giao cho người ủy quyền nhận. Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, người yêu cầu cấp phiếu không ở nhà, nhân viên bưu điện phải đi lại rất nhiều lần. Đó là chưa kể, còn hiện tượng người dân gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, nhưng hồ sơ có sai sót, nên phải chuyển lại hồ sơ. Đây cũng chính là nguyên nhân mà người dân, nhất là ở khu vực xa trung tâm, chưa mặn mà với dịch vụ cấp phiếu LLTP qua hệ thống bưu chính.
Dự kiến trong năm 2018, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp 2009 sẽ được thông qua. Mong rằng, những vướng mắc hiện nay trong việc cấp phiếu LLTP sẽ được gỡ bỏ, từ đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
TÙNG NGUYÊN