Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cấp thiết bảo tồn trang phục dân tộc thiểu số

PV - 14:30, 05/03/2019

Những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gần như là “căn cước”, là văn hóa của một tộc người. Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào DTTS là vô cùng cần thiết, nhất là trong xu thế hội nhập phát triển hiện nay. Thế nhưng, ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, trang phục truyền thống của nhiều dân tộc ít nhiều đã mai một, hoặc bị đồng hóa, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng.

Những nét đặc trưng trong trang phục DTTS cần được bảo tồn. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La trong trang phục truyền thống giới thiệu ẩm thực của dân tộc mình tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam) Những nét đặc trưng trong trang phục DTTS cần được bảo tồn. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La trong trang phục truyền thống giới thiệu ẩm thực của dân tộc mình tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Báo động đỏ

Theo thông tin từ Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VH-TT&DL), trước đây, trong cuộc sống hằng ngày, đồng bào DTTS vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây số người sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình ngày càng giảm. Bên cạnh đó, cách mặc của đồng bào các DTTS cũng đã thay đổi, không chỉ ở giới trẻ mà ở cả những người cao tuổi. Theo xu hướng chung của xã hội, nhất là ở lớp trẻ, họ sợ ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ bị coi là lạc hậu, không hiện đại…

Cùng với đó, ở nhiều dân tộc, trang phục không còn giữ được nguyên bản mà bị biến đổi, đồng hóa theo trang phục của các dân tộc khác.

Đơn cử như trang phục của dân tộc Phù Lá trên địa bàn huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên hầu hết đã bị pha tạp với các dân tộc khác. Bản Khua Chá, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) có 87 hộ dân thì có 15 hộ dân tộc Phù Lá, còn lại là dân tộc Mông. Cũng bởi vì sống chung với dân tộc Mông nên nhiều nét văn hóa của dân tộc Phù Lá cũng bị lai hóa, trong đó có trang phục. Hiện nay, người Phù Lá ở Khua Chá gần như không mặc trang phục của dân tộc mình mà mặc lẫn lộn, thậm chí mặc trang phục như người Mông.

Ông Sùng A Xá, dân tộc Phù Lá, bản Khua Chá, cho biết: “Hiện nay, người Phù Lá ở bản Khua Chá có khoảng 80 nhân khẩu. Trước đây, người dân thường thêu, dệt và mặc trang phục của dân tộc mình, thế nhưng những năm gần đây, đã không còn duy trì được. Hiện nay, nam giới chủ yếu mặc trang phục người Kinh, phụ nữ mặc trang phục người Mông”.

Ngoài ra, trang phục người Xinh Mun, Kháng và Khơ-mú có nét tương đồng với người Lào, Thái; trang phục nữ của người Phù Lá giống với trang phục người Mông; trang phục người Si La nhiều nét giống người Thái…

Trang phục của người Bố Y trong lễ cưới. Trang phục của người Bố Y trong lễ cưới.

Cần giải pháp cấp thiết

Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa, là thông điệp quá khứ để lại. Nếu trang phục truyền thống bị mai một, không còn tồn tại sẽ ít nhiều làm mất đi bản sắc của mỗi dân tộc. Biết rằng, việc bảo tồn trang phục dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn là yêu cầu cấp thiết.

Trước thực trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được thực hiện trên phạm vi cả nước. Đề án sẽ thực hiện trong thời gian từ năm 2019-2030 (chia thành 2 giai đoạn).

Mục tiêu của Đề án nhằm đưa trang phục các DTTS phổ biến hơn trong đời sống. Cụ thể, đến năm 2025, hoàn thành kiểm kê, xếp hạng 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công, trang trí hoa văn trang phục DTTS; khôi phục trang phục của 3 dân tộc đã mai một; vinh danh 5 đến 10 nghệ nhân ưu tú liên quan đến trang phục các dân tộc; mở lớp truyền dạy kỹ năng bảo tồn.

Đến năm 2022, tất cả học sinh trường dân tộc nội trú mặc trang phục truyền thống tối thiểu hai buổi mỗi tuần vào dịp lễ, tết, ngày hội. Đến năm 2030, xếp hạng thêm 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; vinh danh thêm 20-30 nghệ nhân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức liên hoan trình diễn trang phục các DTTS; ngày hội sắc màu văn hóa các dân tộc; lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam; xây dựng website giới thiệu các trang phục...

Hy vọng rằng, Đề án khi đi vào đời sống sẽ giúp những chủ thể văn hóa, đồng bào các DTTS nhận thức được vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn di sản và truyền lại cho con cháu mai sau.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.