Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Câu chuyện đẹp nơi rừng xa ấy…

Inrasara - Ngọc Ánh - 18:33, 17/09/2023

Tây Nguyên rừng bạt ngàn, ta thường nghe cụm từ ấy vang lên mỗi khi nhắc đến Tây Nguyên. Nhưng rồi nhiều nơi đã bị khai thác, sa mạc hóa thành những đồi trọc, khô khốc. Ở nơi “rừng xa” ấy, ta lại được nghe một câu chuyện đẹp, chính là DONAFARM, một Hợp tác xã được lập nên bởi người phụ nữ nhỏ bé, xinh đẹp với quyết tâm lớn được khởi động từ cái nhỏ nhất.

Giám đốc Tạ Thị Liên giới thiệu sản phẩm cà phê sạch của HTX Donafarm
Giám đốc Tạ Thị Liên giới thiệu sản phẩm cà phê sạch của HTX Donafarm (Ảnh TL)

Suy nghĩ lớn

Quảng Sơn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông. Toàn xã có 45.000ha, trong đó có 7.000 rừng tự nhiên và 2.000 ha rừng phòng hộ. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS tại chỗ M’Nông và các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Mường di cư từ miền Bắc vào từ nhiều năm trước. Bà con vốn là nông dân nghèo, cần cù, từng quen với nghề nông nên rất thuận tiện cho việc canh tác.

Đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ là điều kiện thuận lợi để Quảng Sơn có tiểm năng phát triển nông nghiệp và du lịch xanh. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS ở “rừng xa” này vẫn lưu giữ những nét văn hóa giàu bản sắc, phong phú. Mỗi dân tộc có những lợi thế riêng như người M'nông, người Thái có nghề dệt thổ cẩm và các giá trị văn hóa như cồng chiêng, ẩm thực; người Mông, Dao… có nghề thêu thùa, đan lát.

Giám đốc Tạ Thị Liên trong vườn cà phê của HTX Donafarm
Giám đốc Tạ Thị Liên trong vườn cà phê của HTX Donafarm

Chị Tạ Thị Liên, người phụ nữ dân tộc Kinh chuyển cư từ vùng xuôi lên vùng đất này từ ba thập niên trước đã nhìn thấy những tiềm năng đó. Tuy nhiên, chị cũng nhận thấy một thực tế là hầu hết người nông dân DTTS nơi đâycòn hạn chế về tư duy làm kinh tế. Bà con trồng trọt chăn nuôi chủ yếu theo cách tự phát, nhỏ lẻ, mạnh ai người đó làm, do đó đời sống luôn bấp bênh. Nhiều vụ thu hoạch hoa trái, những thùng bơ, hạt tiêu, củ cải, ớt, bí đỏ… bị vứt bỏ đầy đường, vô cùng lãng phí.

Phải làm gì để giúp bà con “sống khỏe” ngay trên mảnh đất quê hương, sau nhiều năm trăn trở, năm 2018, chị Tạ Thị Liên quyết định thành lập HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ DanoFarm (viết tắt là HTX Donafarm). Với phương châm: Người dân tộc ý thức tự hào về dân tộc mình, về sự trù phú của vùng đất mình đang sống, HTX Donafarm “kết nạp” thành viên chủ yếu là bà con người DTTS sinh sống tại địa phương. Các thành viên đầu tiên H’Jang, Y’Bang, dân tộc Mnông; là Đàm Thị Tình, dân tộc Tày; Giàng A Lỳ, dân tộc Mông…và sau này là nhiều thành viên khác với quyết tâm góp sức tái tạo rừng, gắn bó đồng hành với buôn làng, với đất.

Cà phê hạt của HTX Donafarm trên giàn phơi trong nhà kính
Cà phê hạt của HTX Donafarm trên giàn phơi trong nhà kính

Ngay sau khi thành lập HTX, Giám đốc Tạ Thị Liên đã triển khai Dự án phát triển vườn rừng để phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Chị mời các chuyên gia về hướng dẫn cho bà con trồng cây cà phê dưới tán rừng. Không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, không làm cỏ - bởi dưới tán cà phê là rau xanh và cây dược liệu bao phủ. Lần đầu tiên, bà con người Mnông, người Mông, người Thái… ở Quảng Sơn biết tận dụng tối đa hiệu quả mảnh đất để tạo ra năng suất cao nhất có thể. Cách làm này vừa giữ rừng, vừa tái tạo rừng. Từ vùng nguyên liệu cà phê do các thành viên trong HTX trồng và cung cấp, Donafarm đã cho ra đời sản phẩm cà phê bột (sạch).

Sản phẩm sạch của DONAFARM
Sản phẩm sạch của DONAFARM

Để nâng cao trình độ cho bà con, HTX Donafarm đã thành lập 4 tổ sản xuất cà phê sạch. Các thành viên ở các tổ được HTX phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn cách làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, đến nay, các thành viên, hộ liên kết đã bước đầu biết áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn lớn nhất về sản xuất ca cao và cà phê trên toàn thế giới), qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tầm nhìn xa

Ngoài trồng và sản xuất cà phê sạch, HTX Donafarm còn triển khai phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa và thổ cẩm. Để thực hiện thành công mô hình phát triển nghề truyền thống, Giám đốc Tạ Thị Liên đã đi khắp các trung tâm, trường, viện để học hỏi và nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ về dệt lụa và thổ cẩm. Chị cũng tìm đến nhiều nhà máy để quan sát, học hỏi cách nâng cao chất lượng sản phẩm thổ cẩm. Sau nhiều năm miệt mài tìm nghệ nhân ươm tơ thủ công và dệt được sản phẩm tơ tằm kết hợp thổ cẩm, hiện nay, HTX đã cho ra các sản phẩm choàng, áo dài, gối tằm, váy, khố từ chất liệu tơ tằm và thổ cẩm.

Giám đốc Tạ Thị Liên với sản phẩm thổ cẩm do HTX của mình làm ra
Giám đốc Tạ Thị Liên với sản phẩm thổ cẩm do HTX của mình làm ra (Ảnh TL)

Chị Chu Thị Thúy trước kia đi làm công nhân may ở Bình Dương. Gần đây, được sự hỗ trợ của HTX DanoFarm, chị quyết định ở nhà để phát triển kinh tế với nghề trồng dâu nuôi tằm. “Được sự hướng dẫn tận tình của Ban Giám đốc HTX, tôi đã từng bước làm quen được với nghề mới. Toàn bộ giống, kỹ thuật, đầu ra, thức ăn đều do HTX cung cấp, tôi chỉ việc bỏ công chăm sóc. Mỗi tháng nuôi 2 hộp kén, doanh thu đạt khoảng 20 triệu đồng, tôi được hưởng 40% doanh thu. Nguồn thu này cao bằng mức lương khi tôi làm công nhân may. Công việc trồng dâu nuôi tằm chủ động về thời gian và nhàn hơn làm công nhân. Nếu được HTX giúp sức, nhiều bà con ở đây có thể thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm”, chị Thúy phấn khởi bày tỏ.

Giám đốc Tạ Thị Liên và nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Thái
Giám đốc Tạ Thị Liên và nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Thái (Ảnh TL)

Không chỉ dừng lại ở việc trồng và sản xuất ra các sản phẩm tơ tằm, thổ cẩm và các mặt hàng nông sản sạch như cà phê, mắc ca, măng, HTX DanoFarm còn tiến lên một bước là khai thác du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. “HTX đã hướng dẫn các hộ dân tham gia làm du lịch theo quy trình chất lượng cao để phục vụ du khách. Các sản phẩm du lịch của HTX được giới thiệu về quy trình, nguồn gốc và những giá trị riêng… HTX tạo liên kết với các hộ dân xây dựng trên 100 ha vùng trồng dâu, nuôi tằm tạo nguyên liệu để làm ra sản phẩm tơ tằm. Hiện nay, có 2 làng nghề liên kết với HTX để tạo ra sản phẩm tơ tằm phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch", Giám đốc Tạ Thị Liên cho biết.

Với mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp nghề truyền thống, Giám đốc Tạ Thị Liên đã bước đầu đưa HTX đứng vững trên con đường phát triển. Cùng với đó là nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giúp bà con DTTS tại địa phương nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, vươn lên thoát nghèo.

Giám đốc Tạ Thị Liên và các thành viên HTX Donafarm
Giám đốc Tạ Thị Liên và các thành viên HTX Donafarm (Ảnh TL)


Giám đốc DanoFarm Tạ Thị Liên cho biết:

Thời gian qua, đơn vị đã được Liên minh HTX tỉnh Đăk Nông tạo điều kiện cho đi tham quan, tập huấn ở các tỉnh và học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Liên minh HTX tỉnh và Chi cục Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn đã giúp HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện triển lãm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ðắk Glong cũng đang hỗ trợ HTX các thủ tục làm chứng nhận sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ với trên 100 ha, với 41 thành viên tham gia.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.