Doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm từ nuôi cá
Đến Hồ thuỷ điện Huổi Quảng (huyện Than Uyên, Lai Châu), chúng tôi rất ấn tượng với quang cảnh sơn thuỷ hữu tình, mặt nước trong xanh, phẳng lặng. Đặc biệt là nơi đây có trang trại nuôi cá của HTX Nông Công nghiệp và Thương mại Du lịch Than Uyên (gọi tắt là HTX Than Uyên).
Anh Lê Tuấn Anh, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện đang nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng với diện tích khoảng 10.000m2 , cho sản lượng khoảng 800 tấn/năm. HTX tập trung nuôi trồng các loại cá chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế như cá tầm, cá hồi, cá lăng, thực hiện liên kết sản xuất với 35 hộ dân, nuôi 125 lồng cá. Điều đặc biệt là HTX Than Uyên không chỉ nuôi cá mà còn tổ chức chế biến sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm và liên kết phân phối sản phẩm, tạo thành một vòng tròn khép kín.
Hiện tại, HTX có hơn 30 loại sản phẩm chế biến từ cá như: chả cá, xúc xích, viên cá, nước lẩu,… trong đó có một số sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao như ruốc cá lăng, chả cá lăng viên. Từ khi có nhãn hiệu, các sản phẩm của HTX được phân phối bằng rất nhiều kênh: Tại các cửa hàng, siêu thị của địa phương, trên mạng xã hội, kênh thông tin truyền thông, hội chợ, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee food, Grabfood. Đặc biệt là phân phối tại hệ thống siêu thị lớn trong 4 năm qua như: Big C, Metro, Winmart, AEON, Coopmart…
Từ phát triển nghề nuôi cá trên lòng hồ thủy điện, HTX Than Uyên đã tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động thuộc các khâu: nuôi cá; sơ chế, chế biến cá tại xưởng; kinh doanh và hậu cần. Thu nhập bình quân đạt mức 11.5 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều năm qua, HTX Than Uyên luôn nỗ lực phát triển không ngừng để có thể giới thiệu sản phẩm Việt chất lượng cao đến đông đảo khách hàng. HTX trở thành 1 trong 150 đơn vị được bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022. Năm 2022 vừa qua, HTX đã chế biến, tiêu thụ khoảng 300 tấn cá thành phẩm, cho doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. Hiện nay, HTX Than Uyên đã trở thành một trong những mô hình HTX điển hình, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong lĩnh vực thuỷ sản của Lai Châu.
Giám đốc Lê Tuấn Anh thông tin: Thời gian tới, HTX sẽ phấn đấu tiếp tục nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và thị phần kinh doanh, hướng tới xây dựng một doanh nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, HTX đang có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái lòng hồ gắn với bản sắc văn hoá dân tộc Thái để vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế nơi đây.
Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
Bên cạnh HTX tại Than Uyên, tại nhiều huyện vùng cao của Lai Châu như Phong Thổ, Tam Đường, Nậm Nhùn cũng đang đẩy mạnh mô hình nuôi cá lồng, cá nước lạnh. Đây được coi là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Tận dụng diện tích mặt nước ở thượng nguồn sông Đà, HTX thuỷ sản Long Vũ (xã Mường Mô, Nậm Nhùn) chọn nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo… theo hình thức nuôi cá lồng. Hiện nay, HTX đang nuôi 30 lồng cá với sản lượng thu được khoảng 20 tấn/năm. Anh Lê Văn Vũ, Giám đốc HTX Long Vũ chia sẻ cách làm: HTX hỗ trợ lấy giống và tìm thị trường cho các hộ gia đình liên kết sản xuất với HTX.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây, phần lớn các HTX cá nước lạnh tại Lai Châu nhập giống từ vùng lân cận như Sa Pa (Lào Cai) về nuôi. Nhưng đến nay, trong tỉnh đã có HTX áp dụng khoa học kĩ thuật tự sản xuất được giống cá, phân phối cho nhiều đơn vị. Ông Vũ Văn Cảnh, Giám đốc HTX sản xuất nông nghệp và dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn (bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) cho biết: Trang trại nằm dưới chân núi Hoàng Liên, xung quanh là các cánh rừng già nên có khí hậu thuận lợi để nuôi cá nước lạnh. HTX đã sản xuất cá giống quy mô 300 con cá bố mẹ, 15 vạn con cá giống/năm cùng với 80 tấn cá thịt/năm.
Bằng sự tận dụng tài nguyên nước cùng với nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, kĩ thuật của tỉnh, nhiều HTX sản xuất nuôi trồng thuỷ sản tại Lai Châu đã vững mạnh, khẳng định được thương hiệu. Có khá nhiều sản phẩm OCOP từ thuỷ sản, cá nước lạnh nuôi tại các lòng hồ, lòng sông… được cung ứng đến người tiêu dùng như: Ruốc cá hồi Dương Yến, cá tầm cắt khúc, cá hồi phi lê của HTX Dương Yến (huyện Phong Thổ) và HTX Ngũ Chỉ Sơn; cá trắm sấy, cá lăng sấy đặc sản dân tộc Khơ mú của HTX Thanh niên Thẩm Phé (huyện Than Uyên)…
Ông Lê Quý Toàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho biết: Tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các HTX phát triển nuôi trồng thủy sản, xây dựng sản phẩm cá nước lạnh theo chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời tiến hành xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh cho các HTX. Nhiều HTX đã rất chủ động liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Quý Toàn ghi nhận: Thành quả của các HTX nuôi trồng thuỷ sản, nuôi cá lồng, cá nước lạnh ở Lai Châu đã có đóng góp không nhỏ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Hiện tại, ở Lai Châu có 174 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, tăng 66 HTX so với năm 2020, chiếm trên 53% so với tổng số HTX đang hoạt động. Tạo việc làm cho 1.568 thành viên và 1.868 lao động với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Lai Châu thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho HTX đủ điều kiện, tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS và chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS, trong đó có lĩnh vực thuỷ sản.
Bằng các chính sách quan tâm của Nhà nước, thông qua các cơ quan chức năng, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của các HTX, nghề nuôi cá thương phẩm đã phát huy cao hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương.