Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cậu học sinh người Mường tiêu biểu với suy nghĩ giản dị

PV - 15:54, 13/11/2018

Nguyễn Văn Dũng (dân tộc Mường) là một trong 14 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tuyên dương năm 2018, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Dũng luôn cố gắng học tập, lạc quan và nuôi dưỡng ước mơ của riêng mình.

Chúng tôi gặp Dũng trong Chương trình Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2017-2018 của TP. Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Dũng là cậu học trò nhỏ nhắn, ít nói nhưng rất nhanh nhẹn. Ánh mắt đầy tự hào của em không giấu nổi niềm vui khi được UBND TP. Hà Nội tuyên dương nhờ những cố gắng, nỗ lực của mình trong học tập.

Nguyễn Văn Dũng là 1 trong 14 em HSSV DTTS Thủ đô tiêu biểu được khen thưởng năm 2018. Nguyễn Văn Dũng là 1 trong 14 em HSSV DTTS Thủ đô tiêu biểu được khen thưởng năm 2018.

Sinh ra và lớn lên tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội), trong gia đình thuần nông nên từ bé Dũng đã phải phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, không có nhiều điều kiện học tập như các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, những khó khăn đó không cản trở được sự ham học hỏi, tìm tòi hiểu biết của em.

Càng lớn, Dũng càng thương bố mẹ vất vả nuôi, dạy, chăm sóc mình nhiều hơn. Để trả ơn cho sự vất vả của bố mẹ, em luôn cố gắng học tập, rèn luyện. Trong thời gian học THPT em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi Thành phố môn Vật lý của trường THPT Tùng Thiện (Sơn Tây, Hà Nội). Đặc biệt, Dũng đã đỗ đại học trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2017-2018 với điểm số cao (26,6).

Thầy Nguyễn Hữu Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Tùng Thiện nhận xét, Dũng là học sinh ham học hỏi, chịu khó, năng nổ trong các hoạt động của trường. Nhà trường rất cảm thông với hoàn cảnh của Dũng, thường xuyên động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để em có thể học tập, rèn luyện tốt nhất tại trường.

Hiện Dũng đang là sinh viên năm thứ nhất ngành lập trình viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chia sẻ về ước mơ của mình, Dũng cho biết, em muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin bởi có niềm đam mê và yêu thích lập trình. Để chuẩn bị cho ước mơ của mình, ngay từ THPT, em đã bắt đầu trau dồi vốn kiến thức về lập trình phần mềm ứng dụng, học thêm tiếng Anh. Bên cạnh đó Dũng còn học thêm một số kỹ năng mềm. Đó sẽ là hành trang để Dũng tiến đến ước mơ của mình.

“Được lãnh đạo UBND TP. Hà Nội tuyên dương, em vô cùng tự hào. Điều đó giúp em ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với gia đình, xã hội. Em sẽ luôn nỗ lực hơn nữa để đạt được thành tích cao trong học tập, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo Thành phố, thầy cô và bố mẹ. Đối với em, làm nghề gì cũng được chỉ cần mình luôn nỗ lực và làm việc bằng chính khả năng của mình và giúp đỡ được bố mẹ, đóng góp một phần nhỏ cho xã hội là em thấy hạnh phúc rồi”, Dũng chia sẻ.

Được biết, không chỉ cố gắng học tập, Dũng còn thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể tại trường, địa phương. Là người con của dân tộc Mường, em luôn tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Trong các buổi giao lưu, Dũng thường xuyên hát những bài đồng dao, những câu hát đố của người Mường cho các bạn trong lớp thưởng thức. Em cũng không quên chia sẻ những phong tục, tập quán của dân tộc mình như trang phục, lễ tết cho các bạn hiểu hơn về vẻ đẹp của người Mường.

Giờ đây, cuộc sống xa gia đình ở Thành phố, với vô vàn khó khăn, thách thức đang ở trước mắt thử thách bản lĩnh của em. Nhưng ước mơ bình dị của Nguyễn Văn Dũng chắc sẽ không khó để trở thành hiện thực. Bởi phía sau mỗi bước chân đến trường của em là sự lo toan, nhọc nhằn, đẫm mồ hôi của cha mẹ, của những bữa đói no, thiếu thốn thường nhật. Hơn hết, ước mơ ấy còn được nuôi dưỡng bằng ý chí, sự khát khao vươn lên đến mãnh liệt của em.

QUÝ HIỆP

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.