Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

"Cây đại thụ" ở bản Sang Đốm

Văn Hoa - 15:14, 17/10/2021

Với người dân ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) ông Lường Trung Lập, sinh năm 1953, dân tộc Thái, là một "cây đại thụ". Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, ông còn hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với nhiều việc làm thiết thực và hiệu quả, ông được Nhân dân tin yêu và bầu là Người có uy tín.

Ông Lường Trung Lập (bên trái) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình tới cán bộ thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Ông Lường Trung Lập (bên trái) giới thiệu về mô hình kinh tế của gia đình.

Quyết định táo bạo

Cánh đồng Mường Lò, nơi có nhiều loại gạo ngon nức tiếng xa gần; lúa gạo giúp cuộc sống của cộng đồng các dân tộc tại Nghĩa Lộ có phần đủ đầy hơn, so với các vùng khác ở miền núi Tây Bắc. Thế nhưng, ông Lường Trung Lập, vẫn đưa ra một quyết định táo bạo, đó là bỏ cây lúa để trồng giống cây thanh long, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiếp chúng tôi tại căn nhà sàn truyền thống, ông Lập kể về cách làm kinh tế táo bạo của mình. Năm 2014, sau khi đã tìm hiểu, đọc nhiều bài báo, xem ti vi, ông biết về loại quả thanh long cho giá trị kinh tế cao. Thế là, ông quyết định chuyển đổi 4.000 m2 đất cấy lúa, thêm vốn hơn 200 triệu đồng sang trồng thanh long; thuê kỹ sư nông nghiệp từ dưới Hà Nội lên để tư vấn kỹ thuật và mua cây giống với giá thành rất cao.; dù cả vùng đất Nghĩa Lộ chưa ai trồng thanh long.

Không phụ công người chăm bón, hơn 600 trụ thanh long của ông cho thu hoạch bội thu. Ông nói, thương lái đến tận vườn thu mua, có thời điểm giá lên đến 30.000 đồng/kg thu tại ruộng. Và, quả thanh long cho thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay do dịch Covid-19, lượng mua giảm và giá cũng rẻ hơn, hiệu quả kinh tế cũng giảm 50%, nên chỉ thu nhập trên dưới 150 triệu đồng/năm.

Thấm thoát đến nay đã gần 10 năm gắn bó với thanh long, ông Lập đã nắm vững được kỹ thuật trồng cây, do đó, những hộ dân nào muốn trồng thanh long, ông Lập đều hướng dẫn nhiệt tình. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, ông cũng hỗ trợ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thiếu vốn sản xuất, bằng cách cho vay không tính lãi hàng chục triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều người dân quanh vùng. 

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông đã phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể thôn, xã vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng các công trình chung. Ngoài ra, ông luôn đi đầu đóng góp kinh phí cho các phong trào của bản để người dân noi theo. Do vậy, bao năm qua, nhiều hộ đồng bào Thái trong bản, tin tưởng, kính trọng xem ông như "cây đại thụ" vững chắc che chở, định hướng cuộc sống của họ.

Gương sáng giữa cộng đồng

Người có uy tín Lường Trung Lập
Ông Lường Trung Lập "cây đại thụ" bản Sang Đốm luôn được bà con tin tưởng, tôn trọng

Bản Sang Đốm có 120 hộ dân, trên 85% là người Thái. Trong vai trò là Người có uy tín, ông luôn tích cực vận động người dân chăm chỉ lao động sản xuất; giúp đỡ người dân trong thôn xóm cùng nhau phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Đặc biệt, ông Lập luôn trăn trở làm sao để giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong các cuộc họp thôn, ông đều có ý kiến đề xuất mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho thế hệ trẻ; dặn dò con cháu phải giữ lấy bản sắc văn hóa của dân tộc; tích cực vận động 100% các gia đình không sinh con thứ 3. Nhờ đó mà hằng năm, bản luôn có 87% các hộ đạt gia đình văn hóa...

Ông Lập chia sẻ, với vai trò của Người có uy tín, để cho người dân tin và làm theo, mình phải tiên phong trong mọi phong trào, đặc biệt phải giữ được nếp nhà yên ấm, hòa thuận. Do đó, ông đã nỗ lực nuôi dạy các con đi học để có tri thức phục vụ quê hương. Hiện nay, 5 người con của ông đều có công việc ổn định; một số con ông đang giữ chức vụ là cán bộ chủ chốt ở địa phương…

Bằng tất cả những nỗ lực và có đóng góp hiệu quả cho cộng đồng, ông Lường Trung Lập đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, mới đây, ông đã được UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng Khen Người có uy tín tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2011 - 2021.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.