Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cây quế trên vùng cao Trà Leng

PV - 15:35, 09/07/2018

Trà Leng, xã vùng cao thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vốn nổi tiếng với cây quế gốc Trà My. Cây quế được trồng ở tất cả các hộ gia đình, ở những mảnh vườn nhỏ đến những khu vườn rộng lớn, phát triển thành cây trồng chủ lực, đẩy lùi đói nghèo cho người dân.

Từ lâu, cây quế rất phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên ở huyện vùng cao Nam Trà My; trong đó có xã Trà Leng. Những năm gần đây, mặc dù giá quế xuống thấp so với thời kỳ trước nhưng xã nghèo vùng cao Trà Leng, vẫn duy trì và nhân rộng thêm nhiều diện tích cây quế. Đây cũng là chủ trương chung của huyện, và của xã, bởi hàng năm quế vẫn là nguồn thu chính của các hộ gia đình, giúp bà con dân tộc Xơ-đăng nơi đây từng bước thoát nghèo bền vững.

Bà con rất vui khi quế năm nay được giá. Bà con rất vui khi quế năm nay được giá.

Ông Nguyễn Văn Thành dân tộc Xơ-đăng hiện là hộ trồng nhiều quế ở thôn 1, xã Trà Leng cho biết: So với các loại cây lâm nghiệp khác, cây quế có giá trị hơn rất nhiều, chỉ 3 đến 4 năm là có thể tỉa thưa những diện tích trồng dày để bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu quế, những cây còn lại chịu khó chăm sóc thì từ 7 đến 8 năm là có thể thu hoạch được.

So với cây keo, và các loại cây trồng khác, thì cây quế dễ trồng và chăm sóc, nhưng lại đầu tư ít hơn. Hiện vườn nhà của ông Thành có hàng trăm gốc quế 15-20 năm tuổi. Đến mùa thu hoạch, ông chọn những cây đủ tuổi để bán cho thương lái, giá mỗi ký quế loại 1 là 60 ngàn đồng; loại 2 là 50 ngàn đồng, loại 3 là 40 ngàn đồng, và còn lại quế vụn khoảng 30 đến 35 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi năm, trừ các khoản chi phí ra gia đình ông thu nhập từ cây quế trên 20 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù khó khăn nhưng địa phương luôn vận động bà con không bỏ truyền thống trồng quế. Hàng năm, xã đều vận động bà con tập trung đưa giống quế bản địa vào trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện xã có 300/492 hộ tham gia mô hình trồng quế, tổng diện tích gần 372.98ha, tập trung nhiều ở các thôn 1, 2, và thôn 4. Theo đó, sản lượng quế thu hoạch của xã hàng năm đạt hàng trăm tấn quế khô, đưa Trà Leng trở thành vùng trồng quế tập trung lớn của huyện Nam Trà My. Việc trồng quế giúp các hộ dân trong xã tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo; đồng thời, góp phần tích cực trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ phát triển cây quế, nhiều năm qua tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm xuống còn dưới 30%, trên 40% số hộ đã vươn lên thoát nghèo, khoảng 20% số hộ có kinh tế khá.

Ông Lê Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: Xã Trà Leng có nhiều điều kiện để phát triển cây lâm nghiệp dài ngày, nhất là trồng và phát triển cây quế. Trước đây, do tập quán canh tác, kỹ thuật trồng quế của bà con còn lạc hậu, manh mún nên lợi nhuận kinh tế từ cây quế không cao. Vài năm trở lại đây, xác định cây quế là thế mạnh của địa phương, xã đã tập trung vận động bà con tham gia trồng, hỗ trợ vốn và tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình trồng quế theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh cao.

Trước những giá trị kinh tế lớn mà cây quế đem lại, xã Trà Leng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và khai thác có hiệu quả; đầu tư thâm canh mở rộng diện tích quế để ổn định vùng nguyên liệu, tăng thu nhập và làm giàu từ quế.

VĂN GIA PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.