Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Chậm hỗ trợ kinh phí đóng tàu công suất lớn: Ngư dân mang nợ

PV - 16:47, 05/09/2018

Theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg (QĐ 47) của Chính phủ về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá, các chủ tàu sẽ được hưởng mức hỗ trợ từ 15% đến 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu. Tuy nhiên, đến nay các chủ tàu ở Bình Định vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

chậm hỗ trợ kinh phí Nhiều ngư dân ở Bình Định mạnh dạn đóng tàu lớn để vươn khơi bám biển nhưng đang gặp khó về nợ vay do chưa được hỗ trợ.

Có thể nói, QĐ 47 là một chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm đầu tư của Nhà nước dành cho lĩnh vực khai thác thủy sản. Điều kiện được hỗ trợ là chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể. Chủ tàu là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác hải sản. Tàu phải lắp đặt thiết bị thông tin có khả năng định vị kết nối với trạm bờ để quản lý quan sát hành trình. Tàu khai thác hải sản xa bờ phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, QĐ 47 còn quy định, mức hỗ trợ cho chủ tàu tùy vào công suất, chất liệu tàu cá và ngành nghề, nhưng ngư dân phải đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu khai thác thủy sản hoặc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên.

Khi QĐ 47 ra đời, một số ngư dân ở Bình Định đã chủ động vay vốn đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản theo đúng quy định để được hưởng hỗ trợ. Thế nhưng đến nay, họ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo chính sách. Trong khi hàng tháng phải trả lãi ngân hàng và phải thanh toán tiền nợ cho Công ty đóng tàu khiến họ vô cùng lo lắng.

chậm kinh phí hỗ trợ Ngư dân Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tàu cá ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ chia sẻ: Khi chính sách này ra đời, ngư dân chúng tôi rất mừng, vì đây là động lực để chủ tàu đầu tư đóng tàu mới, công suất lớn đánh bắt khơi xa, mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Nhờ chính sách này, tôi mạnh dạn vay mượn đóng mới tàu cá vỏ composite với công suất 850 CV, kinh phí đóng mới 14,2 tỷ đồng. Tôi cũng hoàn tất các thủ tục để được nhận hỗ trợ từ cuối năm 2017 và đã được các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên đến nay gần 8 tháng mà vẫn chưa được nhận. “Theo QĐ 47 thì tôi được hỗ trợ gần 5 tỷ đồng, nhưng do chưa nhận được tiền hỗ trợ nên tôi còn nợ công ty đóng tàu ở Cam Ranh (Khánh Hòa) hơn 4 tỷ đồng và bị công ty đòi kiện ra tòa vì nợ lâu. Không biết hồ sơ, thủ tục có bị vướng mắc gì không mà chờ lâu quá. Tôi cũng như các chủ tàu thuộc diện này chỉ mong Nhà nước sớm hỗ trợ kinh phí để có tiền trả khoản nợ đã đầu tư đóng mới tàu, lúc đó mới an tâm làm ăn”, ông Quang cho biết thêm.

Chúng tôi mang những thắc mắc của ngư dân trao đổi với ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định và được ông cho hay: Theo quy định của QĐ 47, chỉ những chủ tàu thực hiện ký hợp đồng đóng mới tàu trong khoảng thời gian từ ngày 25/11/2015 (ngày Nghị định số 89/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/CP có hiệu lực) đến hết ngày 31/12/2016 mới được hỗ trợ, nên có ít chủ tàu đáp ứng được yêu cầu trên. Do đó, toàn tỉnh chỉ có 7 tàu cá, trong đó có 6 tàu vỏ gỗ và một tàu vỏ composite thuộc diện được hỗ trợ.

“Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, thẩm định hồ sơ thủ tục và các hạng mục tàu cá đúng theo hợp đồng và danh mục hỗ trợ, trình UBND tỉnh phê duyệt, với tổng kinh phí hỗ trợ được phê duyệt gần 13,4 tỷ đồng và đã gửi hồ sơ lên Bộ NN&PTNT. Việc chậm hỗ trợ là do chưa có kinh phí. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề nghị cấp kinh phí để sớm hỗ trợ cho các chủ tàu cá theo QĐ 47”, ông Phúc cho biết thêm.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.