Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chăn nuôi gia súc - Cơ hội thoát nghèo cho nông dân Tây Nguyên: Những tín hiệu lạc quan (Bài 1)

Lê Hường - Phan Trọng - 17:38, 18/11/2021

Với tổng diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nổi tiếng với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả xuất khẩu như tiêu, cà phê, cao su, bơ, sầu riêng... Những năm gần đây, trên vùng đất baza màu mỡ này, đang tiếp tục được người dân khai thác để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc. Điều mà đồng bào Tây Nguyên cần lúc này là các cơ quan chức năng cần có những giải pháp bền vững cho lĩnh vực kinh tế đang có nhiều tiềm năng, lợi thế này.

Nhiều nông dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông thoát nghèo, kinh tế khá từ chăn nuôi bò
Nhiều nông dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông thoát nghèo, kinh tế khá từ đầu tư chuyển hướng sang nuôi bò

Theo một nghiên cứu do Viện Địa lý chủ trì đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước nghiệm thu, đánh giá vào cuối tháng 5/2021, Tây Nguyên có tiềm năng lớn phát triển đại gia súc với nguồn thức ăn phong phú. Diện tích có thể chăn thả ngoài tự nhiên khoảng 1,86 triệu ha, cỏ trồng có khoảng 13.726 ha và nguồn từ cây nông nghiệp. 

Thoát nghèo từ chăn nuôi
Từ hộ đặc biệt khó khăn, đất sản xuất ít lại cằn cỗi không thể trồng trọt, đến nay gia đình ông Y Nham Byă và chị H’BiêrAyun ở buôn Cư Kiêl, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò.

Ông Y Nham kể: Được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản theo diện hộ nghèo. Năm 2019, vợ chồng ông vay Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng mua thêm bò, phát triển đàn. Đến nay, gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng, sắm được máy cày, xe công nông chở thuê và máy phay ruộng và vẫn còn 10 con bò. Năm 2020, gia đình ông chính thức thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định.

Tương tự, gia đình chị Siu H’Nuin ở làng Ia Ngăng, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê. Chị H’Nuin chia sẻ: mấy năm trước được hỗ trợ 3 con dê sinh sản và được cán bộ tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh. Mình thấy nuôi dê không khó, đàn dê của gia đình mình khỏe mạnh, nhanh lớn. Mỗi năm dê cái sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 1-2 con. Đến nay, gia đình mình có 10 con dê, tính ra nuôi dê hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng mì, lúa nên mình chuyển đổi diện tích trồng mì chuyển sang trồng cỏ nuôi dê.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi ở Tây Nguyên đang phát triển nhanh, với nhiều mô hình đã và đang giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế hiệu quả, thoát nghèo. Đặc biệt, là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS khi người dân không thể phát triển trồng trọt do nhiều yếu tố tác động như thiên tai, đầu tư lớn, giá cả bấp bênh... , thì chăn nuôi là "cứu cánh".

Theo thông tin của tỉnh Đắk Lắk, địa phương hiện có 29.100 con trâu, 245.300 con bò, 867.300 con lợn,113.300 con dê và gần 14 triệu con gia cầm. Riêng chăn nuôi lợn, Đắk Lắk đứng thứ 7 cả nước về quy mô đàn. 

Tại Đắk Nông, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt khoảng 346.000 con, tăng khoảng 25.000 con so với cuối năm 2020. Trong đó, lớn nhất là đàn heo: 276.000 con, đàn dê: 34.000 con, đàn bò: 31.500 con và đàn trâu 5.200con. Riêng đàn gia cầm khoảng 2,6 triệu con. So với cuối năm 2017, tổng số đàn vật nuôi của địa phương này tăng lên, trong đó tăng mạnh nhất là đàn gia cầm tăng 5 triệu con, đàn heo tăng 66.000 con, đàn dê tăng 20.000 con.

Chị H’Yok Niê, Trưởng buôn Cư Kiêl, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk cho biết: Buôn có 67 hộ dân, kinh tế thu nhập từ trồng trọt nhưng hiệu quả rất thấp do đất xấu, từ khi bà con đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia súc, thì nhiều hộ đã thoát nghèo. Hiện buôn có hơn 200 con bò.

Nông dân Tây Nguyên phát triển mạnh đàn dê
Thời gian qua, nuôi dê cũng đang được nông dân Tây Nguyên phát triển mạnh.

Khai thác lợi thế để phát triển 

Từ thực tế, ngành chăn nuôi tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đang phát triển nhanh, giúp nhiều bà con nông dân, đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu, các  địa phương đang tiếp tục khuyến khích các hộ dân khai thác tiềm năng, chuyển hướng phát triển chăn nuôi bằng nhiều hình thức như, nuôi theo hình thức chăn thả ngoài tự nhiên, nuôi nhốt chuồng; chú trọng phát triển đàn gia súc...;nhờ đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của địa phương tăng cao.

Minh chứng như ở tỉnh Gia Lai, địa phương có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc, bởi diện tích đất nông nghiệp gần1,4 triệu ha, nhiều đồng cỏ lớn với diện tích 17.000-18.000ha. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 14.100 con trâu, 417.000 con bò, hơn 425.200 con heo, gần 3,5 triệu con gia cầm. Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh tăng bình quân 12%/năm. Riêng năm 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 4.313 tỷ đồng (tăng 50,4% so với năm 2016).

Tại Đắk Nông, theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển rất nhanh, đặc biệt là chăn nuôi lợn, mỗi năm có thể tăng hàng chục nghìn con. "Chăn nuôi phát triển nhanh, không chỉ giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường, từng bước ổn định giá thành", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Từ chủ trương khuyến khích phát triển chăn nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng của địa phương, hơn 10 năm nay, gia đình anh Phạm Minh Hùng ở thôn 4, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng. Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, nên đàn bò của gia đình anh Hùng phát triển nhanh. Nhờ đó mà, từ hộ nghèo, thiếu vốn, phải mưu sinh đủ nghề, đến nay, gia đình anh đã trở thành hộ khá giả của địa phương.

"Hiện nay, trong chuồng lúc nào cũng có vài chục con bò, chủ yếu bò lai sin và bò vằn. Mỗi năm, trừ chi phí, riêng nuôi bò cũng thu về hơn 100 triệu đồng", anh Hùng cho biết.

Theo ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng, gần 10 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyện chuyển hướng chăn nuôi sang hình thức nuôi nhốt, vỗ béo, giảm dần việc chăn thả bò ngoài tự nhiên. Hiện toàn xã có hơn 600 con bò, chủ yếu được chăn nuôi theo quy mô nuôi nhốt. Người chăn nuôi được hướng dẫn kỹ thuật hạn chế rủi ro bệnh tật. Việc phát triển đàn bò theo hình thức nuôi nhốt đang giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, trong đó nhiều hộ trở thành hộ khá, có tích lũy đầu tư để mở rộng việc tăng gia, sản xuất.

Hiện ngành nông nghiệp Đắk Nông đang tích cực xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035. Chiến lược chăn nuôi này được tính toán kỹ lưỡng các yếu tố để có tính khả thi cao. Hiệu qủa chăn nuôi phải gắn với tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ngành chăn nuôi ở Tây Nguyên đã có những bước phát triển vượt trội. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế vào lĩnh vực chăn nuôi, còn nhiều hạn chế, thiếu định hướng và kế hoạch phát triển bài bản, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún; việc kiểm soát dịch bệnh hạn chế, nên dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn thường xuyên xảy ra; hay đầu ra của ngành chăn nuôi luôn bị động, phụ thuộc vào thị trường..., gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Điều đó đặt ra, các cơ quan chuyên ngành liên quan, các địa phương, khu vực Tây Nguyên cần rà soát và nghiên cứu đưa ra được những giải pháp phát triển bền vững hơn cho lĩnh vực kinh tế đang có nhiều tiềm năng này...

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.