Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xây dựng nông thôn mới trong vùng DTTS ở Tây Nguyên: Hai đường băng để buôn làng cất cánh (Bài 2)

Lê Hường - 11:09, 23/09/2021

Quy hoạch và chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp đi đôi với huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng được xem là hai giải pháp căn cơ, hiệu quả trong xây dựng NTM trong vùng DTTS ở Tây Nguyên. Đây cũng chính là hai đường băng để các buôn làng cất cánh.

Một mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả trên địa bàn Huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai
Một mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả trên địa bàn Huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Chuyển đổi mô hình sản xuất

Lâu nay, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn là nổi lo chưa có hồi kết tại khu vực Tây Nguyên. Trong xây dựng NTM , điều này tạo nên sự bất ổn, thiếu tính bền vững của ngành Nông nghiệp, mà đối tượng chịu tác động chủ yếu là nông dân. Do đó, vệc quy hoạch và chuyển đổi mô hình sản xuất khoa học, phù hợp là điều đặc biệt quan trọng. Nhận thức được điều này, gần đây, nhiều địa phương đã có sự chuyển hướng hiệu quả.

Xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có 70% đồng bào DTTS, trong đó đồng bào Ê Đê chiếm hơn một nửa. Nhờ tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, phá vỡ thế độc canh cà phê, hồ tiêu và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, chủ động thay đổi giống mới mà thu nhập của người dân được nâng cao. Hoàn thành các tiêu chí, đầu năm 2021 xã Cư M’gar được công nhận đạt chuẩn NTM.

Bà Phạm Thị Tiềm, Chủ tịch UBND xã Cư M’gar chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học -  kỹ thuật, người dân trong xã mạnh dạn sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao, diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây có giá trị kinh tế. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày càng tăng.

 Đặc biệt, đời sống người đồng bào DTTS cải thiện rõ rệt. Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 22,5 triệu đồng/người/năm, hiện tại đã lên gần 43 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn gần 4%.

Theo báo cáo, đến nay, toàn huyện Cư M’gar có trên 10.000ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ; 18 trang trại chăn nuôi với quy mô 1.000 con heo/trang trại, từ 14.000 - 16.000 con gà/trang trại…Địa phương đang được đánh giá là thực hiện rất hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Những năm qua, phát triển kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất được cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực, qua đó Nhân dân tích cực hưởng ứng. Điển hình như ở huyện Chư Păh (Gia Lai), người dân mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả.

Là hộ tiên phong trồng sầu riêng, mít thái, bơ, chôm chôm xen canh trện diện tích 2ha cà phê, đến nay, gia đình ông Đặng Văn Kích, thôn Đại Ân 2, xã Ia Khươl có thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm. Ông Kích chia sẻ: "Cà phê chỉ cho gia đình thu nhập ổn định, đủ để trang trải mọi chi phí trong gia đình thôi. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất trồng xen canh cây ăn quả trên cùng diện tích đất sản xuất, lợi nhuận cao gấp nhiều lần, kinh tế gia đình phát triển khá, gia đình sẵn sàng đóng góp công ích xây dựng NTM".

Ông Phạm Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl cho biết: "Hiện toàn xã Ea Khươl có khoảng 80ha sầu riêng, hơn 10ha mít, 3ha cam, quýt và một số cây ăn quả khác. Xã đã thành lập Tổ liên kết trồng và chăm sóc sầu riêng với 16 thành viên; 1 chi hội nghề nghiệp chăm sóc cây sầu riêng với 40 hộ tham gia. Nhiều gia đình có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê".

Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh, trung bình 1ha cây ăn quả, thời kỳ kinh doanh cho 350 - 400 triệu đồng, tăng 150 - 200 triệu đồng với với các loại cây trồng khác. Trong thời gian tới, huyện Chư Păh tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Từng bước hướng đến ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, kết nối cung cầu. Từ một huyện khó khăn của tỉnh, đến nay, Chư Păh có 4 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn hơn 6%, phấn đấu năm 2021 này xuống 3,9%...

Huy động các nguồn lực

Để tiếp tục xây dựng NTM hiệu quả, các tỉnh Tây Nguyên đang tiếp tục tranh thủ các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững.

Tập trung nguồn lực, kiện toàn cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt tạo tiền đề xây dựng NTM hiệu quả
Tập trung nguồn lực, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng, tạo tiền đề xây dựng NTM hiệu quả

Tại huyện khó khăn Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, những năm qua, với nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Nhờ đó huyện đã đạt bình quân tiêu chí NTM là 15,36 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 11 xã, trong đó 1 xã được công nhận NTM, 1 xã đang hoàn thiện hồ sơ.

Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô chia sẻ, với phương châm đầu tư trọng tâm, trọng điểm, huyện linh động trong việc lồng ghép nhiều nguồn lực để xây dựng NTM. Năm 2020, tổng huy động toàn xã hội đầu tư xây dựng NTM đạt 135 tỷ đồng. Trong đó, huy động đóng góp của Nhân dân gần 10 tỷ đồng.  

"Việc huy động nguồn lực vẫn là giải pháp then chốt để xây dựng NTM. Thời gian tới, huyện tập trung nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, trọng tâm là điện và đường giao thông; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, có tiêu chí thấp", Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Danh nhấn mạnh.

Tương tự, ghi nhận tại Đắk Lắk, dù xuất phát điểm thấp, sau 10 năm xây dựng NTM, đến nay huyện Ea H’leo đã có 7/11 xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,89 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7%, vượt kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

 Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo chia sẻ: "Một thành công lớn trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện là huy động đa dạng các nguồn lực thực hiện Chương trình. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ hoàn thành 11/11 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao".

Theo ông Dương Tín Đức, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, mục tiêu phân đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện, 100 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (đạt 73,8 triệu đồng/người/năm).

 Để tiếp tục xây dựng NTM hiệu quả, toàn diện và bền vững, tỉnh xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, tái cơ cấu nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là then chốt, nông dân là chủ thể…

Có thể khẳng định, việc huy động tổng hợp các nguồn lực và giải quyết tốt bài toán về quy hoạch, chuyển đổi sản xuất một cách khoa học chính là  giải pháp căn cơ,  hiệu quả cho việc xây dựng NTM trong vùng DTTS ở Tây Nguyên trong những năm tới đây.