Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chăn nuôi gia súc - Cơ hội thoát nghèo cho nông dân Tây Nguyên: Thay đổi phương thức để đánh thức tiềm năng (Bài 2)

Lê Hường - Phan Trọng - 18:29, 21/11/2021

Mặc dù phát triển nhanh, nhưng ngành chăn nuôi ở Tây Nguyên đang bộc lộ hạn chế. Đặc biệt, với phương thức chăn nuôi của nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, "mạnh ai người ấy làm"; chăn nuôi thuận theo tự nhiên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, rủi ro. Đây chính là lý do đàn vật nuôi dễ bị dịch bệnh, đầu ra bị động vào thị trường và thương lái..., khiễn cho ngành chăn nuôi phát triển thiếu bền vững, hiệu quả chưa cao.

Ở khu vực Tây Nguyên chủ yếu chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ
Ở khu vực Tây Nguyên chủ yếu chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ

Dịch bệnh hoành hành, thị trường thụ động

Ngành chăn nuôi ở Tây Nguyên chủ yếu theo nông hộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, rủi ro. Thực tế, các loại dịch bệnh bùng phát bắt đầu từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Gần 1 tháng trước, đàn bò 10 con của gia đình ông Võ Trung Thông, thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) không may mắc bệnh viêm da nổi cục. Ông Thông nhanh chóng báo cáo chính quyền địa phương, ngành chuyên môn đến kiểm tra hướng dẫn điều trị, cách ly những con không mang bệnh và tiến hành tiêm vắc xin. May mắn dịch bệnh chưa lây hết đàn, 4 con mắc bệnh chỉ phải tiêu hủy 1 con, 3 con còn lại dần bình phục.

Ngoài dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, dịch tả lợn châu Phi cũng trở lại hoành hành ở nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên suốt thời gian qua. Cuối tháng 9, đàn lợn 37 con của gia đình ông Lê Đình Sáu ở thôn 8, xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đều bị dịch bệnh.

Ông Sáu kể: Tôi thấy lợn bỏ ăn, có những biểu hiện lạ, tôi mua thuốc về tiêm nhưng không khỏi. Con lợn nái chết trước, rồi đến đàn lợn con. Nghi bị tả lợn châu Phi nên tôi đã báo chính quyền địa phương lấy mẫu xét nghiệm. Cả đàn lợn của gia đình tôi sau đó phải tiêu hủy hết.

Chỉ tính riêng từ tháng 7/2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4 xã, 1 thị trấn và 28 thôn, buôn, bon, tổ dân phố ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, làm chết 1.312 con lợn, tổng trọng lượng tiêu hủy 72.712 kg. Đối với bệnh viêm da nổi cục đã làm cho 16 con trâu, bò bị nhiễm bệnh chết, với tổng trọng lượng 2.395 kg.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại hộ gia đình ở Đắk Lắk
Các hộ chăn nuôi thường phải đối mặt với dịch bệnh trên đàn vật nuôi (Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại hộ gia đình ở Đắk Lắk)

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện 4 loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gồm lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn; cúm gia cầm A/H5N6; dịch tả lợn châu Phi; viêm da nổi cục ở trâu, bò. Trong đó, dịch tả lợn châu Phi ở lợn với 3.582 con, phải tiêu hủy 3.521 con; viêm da nổi cục ở bò với 2.291 con, tiêu hủy 774 con, gây thiệt hại nặng về kinh tế. 

Không chỉ dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay, giá cả con giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi tăng cao, trong khi đó giá lợn hơi giảm sâu. Khiến nhiều trang trại, nông hộ chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong thời gian này.

Bao năm qua, kinh tế của gia đình ông Đồng Hữu Thoai, ở thôn 2 xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông), chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Ông lo lắng kể, gia đình ông luôn duy trì được đàn lợn nái 7 con. Trước đây trong chuồng lúc nào nhà tôi cũng có khoảng 4, 5 chục con lợn thịt. Nhưng giờ phải giảm đi một nửa vì giá cả bấp bênh, nuôi nhiều lỗ nhiều nên tôi nuôi cầm chừng. Nếu trong những tháng tiếp theo, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng, giá heo hơi không lên, tôi sẽ phải tiếp tục giảm 50% đàn nuôi để giảm lỗ.

Ông Đặng Quang Sang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cư Jút nhấn mạnh: Mặc dù, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến các khâu hỗ trợ, hướng dẫn các hộ chăm sóc, phòng bệnh trên đàn vật nuôi, tuy nhiên dịch bệnh hằng năm vẫn phát triển mạnh. Dịch bệnh đã làm thiệt hại rất lớn đến ngành chăn nuôi ở địa phương. Cùng với giá cả không ổn định, vật tư chăn nuôi tăng, e rằng thời gian tới đàn gia súc, đặc biệt là lợn sẽ giảm mạnh.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi ở huyện Cư Jút, Đắk Nông
Người nông dân cần chú trọng đến nước uống, chuồng trại, phòng bệnh, con giống...mới hạn chế được dịch bệnh trên đàn vật nuôi. (Trong ảnh: Tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả châu Phi ở huyện Cư Jút, Đắk Nông)

Sắp xếp lại chăn nuôi nông hộ

Theo nhận định của ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên, chăn nuôi nông hộ, tự phát, quy mô nhỏ lẻ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Đây được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng,dẫn đến những hạn chế, bất ổn trong chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Đắk Lắk có 100.970 hộ chăn nuôi, chiếm khoảng 70% chủ thể chăn nuôi. Đắk Nông cũng có đến hơn 70% chủ thể chăn nuôi là nông hộ. Tuy nhiên, với tập quán chăn nuôi theo kiểu truyền thống cũ, chủ yếu thuận theo tự nhiên, các nông hộ chưa thực sự chú trọng đến nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại, cũng như việc phòng bệnh; ít quan tâm đến kiến thức khoa học kỹ thuật, để có thể lựa chọn con giống, chăm sóc vật nuôi. Do vậy, hộ chăn nuôi luôn phải đối mặt với nguy cơ, như lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương… 

Nuôi bò nhiều năm theo cách truyền thống, chuồng trại đơn giản nên khi một số con bò mắc bệnh, anh Đơng ở làng Brếp, xã Đăk Djăng, huyện Mang Yang (Gia Lai) không biết. Anh Đơng chia sẻ: Lần đầu tiên tôi thấy bò có dịch tiết ra ở mắt, mũi, bỏ ăn, các nốt sần nổi trên da. Bò mắc bệnh mà không biết, đến khi có 2 con bị chết, tôi mới báo chính quyền địa phương, cán bộ thú y đã hướng dẫn cách chữa trị, cách ly những con bò chưa bệnh, rồi tiêm vắc xin nên còn giữ được đàn.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho rằng: Hầu hết các nông hộ hạn chế về kiến thức chăm sóc vật nuôi, nên năng suất kém, chất lượng sản phẩm không cao. Vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi, cần sắp xếp lại chăn nuôi nông hộ phù hợp. Trong đó, tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi an toàn sinh học là cốt lõi nhất.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, về phương thức chăn nuôi, cần quan tâm đến các yếu tố bảo đảm an toàn sinh học, nhóm sản phẩm, tái cơ cấu đầu tư, phát triển vùng chăn nuôi. Người dân cần đáp ứng các yêu cầu, điều kiện chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là an toàn sinh học. 

 Nông hộ cũng cần phải thay đổi tư duy và thói quen chăn nuôi, quan tâm đến yếu tố kỹ thuật theo quy trình. Các yếu tố đầu vào gồm thức ăn, nước uống, chuồng trại, phòng bệnh, con giống... phải được kiểm soát, ghi chép lại. Có như vậy mới đáp ứng được thị trường, không còn phải lo đầu ra sản phẩm.

Khó khăn, thách thức được nhận diện, các tỉnh Tây Nguyên cần tìm giải pháp tháo gỡ và xây dựng chiến lược lâu dài để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, vững bền.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.