Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chàng “kỹ sư” nông nghiệp của buôn làng

PV - 09:57, 16/10/2018

Không chấp nhận lối canh tác lạc hậu, anh Y Thuyl Niê, dân tộc Ê-đê, sinh năm 1992, ở buôn Ayun, xã Cư Pơng (Krông Búk, Đăk Lăk) đã quyết tâm thử nghiệm giống cây trồng mới. Với kinh nghiệm từ thành công của bản thân, anh trở thành “kỹ sư” nông nghiệp chuyên cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con DTTS ở địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê xen hồ tiêu và bơ Booth xanh tươi trĩu quả, Y Thuyl Niê kể về quá trình lập nghiệp đầy gian khó của mình. Năm 2009, anh chuẩn bị tốt nghiệp ngành Khuyến nông (Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên) thì gặp tai nạn phải ở nhà dưỡng thương.

Y Thuyl Niê (áo đỏ) giới thiệu giống cà phê ghép. Y Thuyl Niê (áo đỏ) giới thiệu giống cà phê ghép.

Với kiến thức đã học trước đó, Y Thuyl Niê muốn áp dụng vào vườn nhà để khởi nghiệp nhưng lại bị gia đình cản trở. Anh chia sẻ: “Mình khuyên gia đình chọn giống cà phê ghép để tái canh nhưng mọi người không nghe vì không tin tưởng. Trong khi đó, trồng giống thực sinh nên cây còi cọc, không phát triển. Xót ruột, mình phải lén nhổ trộm cây xấu, trồng cây ghép vào”.

Ngoài kiến thức học ở trường, Y Thuyl Niê còn tham gia các diễn đàn nông nghiệp trên mạng, đi thăm quan các mô hình thực tế để học hỏi thêm kinh nghiệm. Anh hạn chế sạt cỏ, trồng xen hồ tiêu, bơ vào vườn vừa tạo bóng mát cho cà phê vừa tăng thêm thu nhập. Sau ba năm trồng, chăm sóc, vườn cây nhà Y Thuyl Niê bắt đầu cho quả, mùa nào quả đó cà phê, hồ tiêu, bơ cứ luân phiên nhau cho thu nhập. Lúc này gia đình mới chịu tin cách làm của anh là đúng đắn.

Y Thuyl Niê tâm sự: “Thuyết phục người dân thay đổi cách trồng trọt, canh tác truyền thống khó lắm. Khi nào tận mắt thấy họ mới tin, chứ nói suông không được đâu. Nếu mình không kiên quyết đổi mới cách làm thì gia đình, buôn làng mình vẫn mãi lạc hậu. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám thôi”.

Không chỉ mạnh dạn tái canh, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp trong gia đình, Y Thuyl Niê còn học thêm kỹ thuật nhân giống để mở vườn ươm phục vụ buôn làng. Thời gian đầu vốn ít, anh làm khoảng 6.000 cây giống sau đó tăng dần qua mỗi năm. Anh chủ yếu nhân giống cà phê ghép gốc mít (cây ghép từ gốc cà phê mít với ngọn cà phê vối TR4). Loại giống này khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Tây Nguyên, cây sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Vừa bán giống, anh còn tận tình hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, thậm chí đến tận vườn của khách hàng để theo dõi cây sinh trưởng.

Nhờ cung ứng giống chất lượng, nhiệt tình tư vấn kỹ thuật nên nhiều khách hàng đặt mua giống cây của Y Thuyl Niê nhất là bà con đồng bào DTTS ở nhiều buôn làng Tây Nguyên. Anh được nhiều người yêu mến gọi là “kỹ sư” nông nghiệp của buôn làng.

ĐĂNG QUANG

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng thương hiệu Tang’s Farm trên những hố bom

Xây dựng thương hiệu Tang’s Farm trên những hố bom

Trong suốt hơn 40 năm qua, cựu chiến binh Phạm Văn Táng đã âm thầm “kể” một câu chuyện dài về ý chí và nghị lực trong lao động của chính mình. Để rồi hôm nay, thung lũng đầy cỏ dại và lô nhô hố bom ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã trở thành điểm đến có thương hiệu Tang’s Farm cho du khách trong và ngoài nước.