Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chàng trai người Tày gieo niềm tin cho người trồng chè ở Phú Lương

Mỹ Dung - 20:58, 09/04/2024

Ôn Lương là xã miền núi của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có 80% là người Tày sinh sống. Có một chàng trai là niềm tự hào của người dân nơi đây– anh Tống Văn Viện (sinh năm 1987)! Anh đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, giúp bà con mở hướng phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu từ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Anh Tống Văn Viện (áo trắng) đang trực tiếp kiểm tra sản phẩm chè và quy trình đóng gói
Anh Tống Văn Viện (áo trắng) đang trực tiếp kiểm tra sản phẩm chè và quy trình đóng gói

Tâm và sức hướng về quê hương

Anh Viện chia sẻ, từ nhiều đời nay, trồng chè đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình anh cũng như nhiều bà con trong xóm. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè chưa cao.

“Sản phẩm chè bán cho thương lái nhỏ lẻ, chẳng được giá, khiến đời sống còn khó khăn đủ bề. Do nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo phương pháp thủ công, truyền thống cha ông, tôi ấp ủ trong mình sau này sẽ tìm cách nâng cao kinh tế cho bà con từ chè”, anh Viện trải lòng.

Thời sinh viên, mỗi lần về quê lên, chàng trai Tống Văn Viện đều mang lỉnh kỉnh các thùng hàng, túi xách đựng chè xuống để quảng bá, bán chè đặc sản quê hương. Kết hợp bán hàng trực tiếp và học hỏi từ bạn bè, tham khảo những kiến thức trên mạng Internet, anh Viện nhanh chóng sáng tạo, thiết lập kênh bán hàng trực tuyến. Cái tên “Viện chè” đã có từ ngày ấy!

Tâm và sức luôn hướng về quê hương, Tống Văn Viện còn theo học thêm khoá học về nông nghiệp đa dạng, tích luỹ thêm kinh nghiệm kinh doanh và kỹ năng quảng bá các sản phẩm. Năm 2013, sau khi đặt nền móng sự nghiệp bằng một kênh phân phối chè riêng của mình, anh trở về quê, mang theo tư duy của chàng thanh niên thời đại 4.0.

Đầu tiên, anh bắt tay cải tạo lại diện tích chè của gia đình, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại vào thâm canh. Không những vậy, để mở rộng quy mô sản xuất, anh hợp tác với những người nông dân gần nhà, vận động họ cùng thay đổi việc canh tác chè, sản xuất chè VietGAP. Sau khi ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng chất lượng mong muốn, anh tiếp tục liên kết với các hộ dân trong vùng, dần dần mở rộng vùng nguyên liệu lên hàng chục héc-ta.

Đặc biệt, tháng 7/2020, anh Viện đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản Phú Lương, sản xuất và chế biến chè an toàn. Ngoài ra, HTX còn gia công thêm các loại nông sản 3 miền, liên kết với một số HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Phú Lương để giới thiệu, tiêu thụ nhiều mặt hàng địa phương.

Nhiều công đoạn sản xuất, chế biến chè của HTX Ôn Lương được ứng dụng khoa học công nghệ
Nhiều công đoạn sản xuất, chế biến chè của HTX Ôn Lương được ứng dụng khoa học công nghệ

Hiện tại, HTX Nông sản Phú Lương đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động chính thức và hơn 50 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 hộ trên địa bàn.

Chị Tống Thị Sử, một người dân xóm Khau Lai cho biết, từ khi được nhận vào làm việc tại HTX Nông sản Phú Lương, chị đã có công việc thường xuyên, thu nhập cao hơn, không phải đi xa, vẫn có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm

Từ những kiến thức đã học, anh trở thành một trong những người đi đầu, mở đường phát triển kinh tế từ công nghệ số ở Ôn Lương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại để duy trì, mở rộng thị trường trong thời đại 4.0, anh Viện đã tích hợp các thông tin thuận tiện cho người tiêu dùng. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh, mọi người có thể biết rõ được các thông tin sản phẩm như: Thời gian sản xuất, địa chỉ, thành phần, tiêu chuẩn chất lượng và giá cả...

Anh cũng chú trọng đa dạng hóa các hình thức đóng gói, thường xuyên thay đổi mẫu mã bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, phát triển bán hàng online dựa trên các nền tảng mạng, như: zalo, facebook, tiktok. Nhờ công nghệ số, sản phẩm của HTX kết nối khắp các vùng miền, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ, 3 sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Xã viên HTX nông sản Phú Lương chế biến chè đặc sản
Xã viên HTX nông sản Phú Lương chế biến chè đặc sản

Trao đổi với chính quyền xã Ôn Lương được biết, chính quyền luôn tích cực đồng hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX phát triển vừa để thu hút đầu tư, vừa để phát huy thế mạnh của địa phương và giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

“Các HTX, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thì đã giải quyết phần lớn nhu cầu lao động xã nhà, đặc biệt trong đó có HTX nông sản Phú Lương. Cũng nhờ đó mà giải quyết việc làm cho con em địa phương không phải đi ra ngoài mà lao động ngay tại địa phương trên chính mảnh đất quê hương mình, nâng cao giá trị và thu nhập cho mình”, Bí thư xã Ôn Lương Nguyễn Văn Thương nhấn mạnh.

Với quyết tâm và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, bằng những bước đi chắc chắn, sáng tạo, chàng thanh niên người Tày Tống Văn Viện đang gieo niềm tin cho người trồng chè Phú Lương vào những thành công trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.