Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chấp nhận thất bại để thành công

Hồng Minh - 10:18, 25/12/2020

Được thừa hưởng nhiệt huyết, kinh nghiệm làm kinh tế từ bố của mình, anh Hoàng Hải Phòng, dân tộc Tày ở xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn đang trở thành tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thanh niên xứ Lạng về ý chí làm giàu.

Anh Phòng chăm sóc vườn nho
Anh Phòng chăm sóc vườn nho

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ những thập niên 90, khi Hoàng Hải Phòng vẫn còn đang là cậu học trò ngày ngày cắp sách đến trường, thì bố mẹ anh đã bắt đầu làm giàu với những mô hình làm kinh tế mới. Khi người nông dân ở đây chỉ quanh năm trông chờ vào cây lúa, cây ngô, thì bố của anh Phòng là ông Hoàng Văn Ba đã chuyển đổi trồng cây ăn quả như: dưa hấu, mận hậu, hồng… Với hướng đi này, mỗi năm gia đình ông Ba thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng, đạt hiệu quả cao gấp nhiều lần so với làm nông thuần túy như trước đây.

Với tư duy làm kinh tế đó, ông Hoàng Văn Ba được đánh giá là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của TP. Lạng Sơn, nhiều lần nhận được Bằng khen của tỉnh. Sống trong một gia đình có truyền thống chăm chỉ lao động, tìm tòi những mô hình kinh tế hiệu quả cao, vì thế không khó hiểu khi Hoàng Hải Phòng cũng nhiệt huyết và tích cực phát triển kinh tế làm giàu.

Năm 2012, anh Hoàng Hải Phòng tiếp nhận dự án chuyển giao công nghệ trồng nho tại tỉnh Lạng Sơn. Ban đầu anh Phòng trồng 1000 cây nho, nhưng do điều kiện thời tiết, phân bón chưa phù hợp nên 1000 cây nho bị chết hoàn toàn. 

Không nản chí, anh đi học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, nghiên cứu tài liệu về quy trình trồng, chăm sóc nho, đến năm 2014, vườn nho của anh cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh Phòng đầu tư mua cột bê tông, dây thép, cây que làm giàn và thuê nhân công lao động chăm sóc vườn nho.

Trong quá trình trồng, chăm sóc, anh Phòng thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật từ làm đất, trồng cây, tưới nước, làm cỏ, xới đất, bấm ngọn, tỉa cành, bón phân đến thu hoạch. Anh cho biết: “chỉ cần sai một bước trong quy trình là cây đã không đạt chất lượng mong muốn. Ví như, lúc thu hoạch phải thường xuyên kiểm tra độ chín của quả để thu nho kịp thời. Nếu thu quá sớm quả có vị chua chát, thu muộn quá thì quả dễ bị nứt, hỏng, rụng nhiều trong quá trình vận chuyển hoặc bảo quản.

Anh Hoàng Hải Phòng (bên trái) trên vườn nho khi vào vụ
Anh Hoàng Hải Phòng (bên trái) trên vườn nho khi vào vụ

Đến nay, diện tích trồng nho là 4ha, còn là điểm đến thăm quan, chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ. Doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 1,1 tỷ đồng/năm. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 6 thanh niên và 15 lao động thời vụ. Ngoài ra, anh Phòng còn đang mở rộng thêm diện tích để trồng 1ha dâu tây. Dù mới triển khai, nhưng bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Sau khi thành công tại gia đình, anh Hoàng Hải Phòng đã chuyển giao công nghệ cho nhiều thanh niên các tỉnh khác như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên... để triển khai mô hình trồng nho.

Là thế hệ thanh niên DTTS đang gặt hái được những thành quả trong phát triển kinh tế, anh Hoàng Hải Phòng chia sẻ: “Muốn khởi nghiệp, đầu tiên hãy dựa vào lợi thế của địa phương để tìm ra được sản phẩm đặc thù, có giá trị và có tính cạnh tranh cao. Hãy nghĩ đến thất bại trước khi nghĩ tới thành công, đừng ngần ngại khó khăn mà hãy biết nắm bắt cơ hội, có kế hoạch dài hơi. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, vì thế mọi thông tin hữu ích rất dễ tìm kiếm, cái gì không biết thì đi hỏi. Học hỏi từ những người đi trước, nhất định sẽ thành công”.

Với những thành công anh Hoàng Hải Phòng làm được, vừa qua anh Phòng đã vinh dự nhận được giải thưởng Lương Định Của năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.