Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Chất lượng đại biểu: Điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử

Thanh Nguyễn - 21:56, 21/03/2021

Hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng của người đại biểu. Theo đó, để có được đại biểu có chất lượng, việc giới thiệu ứng cử viên xứng đáng để cử tri “chọn mặt gửi vàng” là hết sức quan trọng.

Công tác tuyên truyền cho bầu cử đang được các địa phương khu vực miền Trung quan tâm đẩy mạnh
Công tác tuyên truyền cho bầu cử đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh

Chất lượng đại biểu ngày càng được nâng cao

Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là người được cử tri bầu ra, được ủy quyền đại diện cho cử tri trong cơ quan quyền lực, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Trước mỗi kì bầu cử, người dân đang đặt niềm tin, kì vọng rất lớn vào những đại biểu dân cử.

Thực tế cho thấy, chất lượng đại biểu qua từng nhiệm kì đã được nâng cao rất nhiều. Không chỉ học vấn mà trình độ nhận thức, lí luận chính trị… cũng đã và đang có những chuyển biến rất tích cực. Nhìn từ đơn vị bầu cử xã vùng cao Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cũng đã thấy rõ điều đó. Số lượng đại biểu có trình độ chuyên môn sau hiệp thương lần 2 có trình độ Đại học đã nâng lên 12 người, cao đẳng 1 người, trung cấp 8 người; số lượng đại biểu có trình độ lí luận chính trị sau hiệp thương lần 2 có trình độ cao cấp 1 người, trung cấp 16 người.

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: So với nhiệm kì trước, thì chất lượng đại biểu cao hơn hẳn. Đây là tín hiệu rất vui để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử tại cơ sở, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, Nghị quyết đại hội Đảng đã đề ra.

Tại huyện Kì Sơn (Nghệ An), sau hiệp thương lần 2, chất lượng đại biểu cũng đã thay đổi theo hướng tăng tỉ lệ đại biểu có trình độ từ cao đẳng đến sau đại học, đại học; tăng dần tỉ lệ đại biểu có trình độ lí luận chính trị từ trung cấp trở lên. 

Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kì Sơn cho biết: Sau hiệp thương lần 2,  điều chúng tôi yên tâm hơn là, chất lượng đại biểu được giới thiệu của nhiệm kì này, cao hơn so với các nhiệm kì trước rất nhiều. Trong số 70 vị đại biểu được lập danh sách sơ bộ để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, trình độ chuyên môn là thạc sĩ có 6 vị, đại học 58 vị, cao đẳng 4 vị, trung cấp 1 vị, sơ cấp 1 vị; trình độ lí luận chính trị là cao cấp có 26 vị, trung cấp 35 vị, sơ cấp 1 vị, chưa qua đào tạo 2 vị. Tất cả đều kinh qua hoạt động cơ sở… 

 Ông Đinh Thanh Bằng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thông tin: Cơ bản sau hiệp thương, chất lượng đại biểu đảm bảo, đúng theo tiêu chuẩn và quy định. Đặc biệt, chất lượng đại biểu là người DTTS được nâng lên so với nhiệm kì trước vì họ có thêm điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Rà soát kĩ các tiêu chuẩn

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần 2, và đang chuẩn bị khâu lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với đại biểu được giới thiệu. Đây là khâu quan trọng, khẳng định lại một lần nữa sự uy tín, sự tín nhiệm của cử tri đối với đại biểu được giới thiệu tại nơi cơ sở.

Song song với bước lấy ý kiến cử tri, ủy ban bầu cử các cấp đang khẩn trương rà soát kĩ lại các tiêu chuẩn, điều kiện của các ứng cử viên để đảm bảo đúng, đủ theo quy định…

Theo ủy ban bầu cử các tỉnh, số lượng, cơ cấu đại biểu được dự kiến trên cơ sở bảo đảm tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý. Trong đó, có số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương, đại biểu là người ngoài Ðảng, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu tái cử, đại biểu ưu tú trong cộng đồng các DTTS từ trước đến nay chưa tham gia đại biểu…

Tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu, kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng, Nhà nước...

Trên cơ sở này, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt phương hướng, nhiệm vụ để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất, thật sự trở thành ngày hội của toàn dân. Thắng lợi của cuộc bầu cử, sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước trong những năm tới.



Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.