Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chiếu Nghĩa Hòa một thời để nhớ

PV - 16:21, 17/07/2018

Xưa kia, hai bên triền sông Vực Hồng, thuộc xã Nghĩa Hòa, tỉnh Quảng Ngãi là “thủ phủ” của cây lác, cói. Những năm thịnh vượng, cả xã có hơn 200 khung dệt, 2/3 số hộ dân làm nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, số hộ làm nghề cứ thế ít dần. May mắn là vẫn còn một số ít người tâm huyết muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông đã “cứu” làng nghề khỏi nguy cơ bị mai một.

Một thời hưng thịnh

Theo những cụ cao niên, chiếu Nghĩa Hòa nức tiếng gần xa nhờ quy trình làm chiếu kỹ lưỡng và công phu, vì thế người dân làng nghề không cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm, mà thương lái khắp nơi tự tìm đến đặt hàng. Sản phẩm làm ra, đôi khi không kịp đáp ứng nhu cầu của cánh thương lái. Ngoài 6ha trồng cói trong xã, thương lái còn mang cói, lác ở vùng khác đến cung ứng cho các hộ dệt chiếu, thu nhập của người dân rất tốt. Nhiều người nhờ dệt chiếu mà xây được nhà, lo cho con cái ăn học đầy đủ.

Thế nhưng, thời hưng thịnh ấy giờ đã trôi qua. Theo lời người dân trong làng, từ ngày ngăn đập Hiền Lương đến nay, hơn 3ha cây cói nước mặn ở vùng Đông, xã Nghĩa Hòa đã trở thành những vuông tôm. Nguồn nguyên liệu bị hạn chế nên chi phí để làm một chiếc chiếu truyền thống tăng lên nhiều lần; trong khi giá bán lại quá thấp và mặt hàng chiếu truyền thống không còn đủ sức cạnh tranh với các loại chiếu ngoại. Từ đó, nhiều người bỏ nghề chiếu chuyển sang nuôi tôm, hay lang bạt mưu sinh khắp nơi...

chiếu Nghĩa Hòa Thu hoạch cói để làm chiếu. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thị Thu Sương, một người làm chiếu lâu năm ở Nghĩa Hòa chia sẻ: Do cạn kiệt nguyên liệu và đầu ra cũng bị thu hẹp nên hết hộ này đến hộ khác lần lượt bỏ nghề. Những người làm chiếu truyền thống còn lại trong xã cũng đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho hay: Năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi cũng đã phối hợp với Phòng Công thương huyện Tư Nghĩa thực hiện Đề án Khôi phục và phát triển làng nghề chiếu cói Nghĩa Hòa và Nghĩa Hà. Theo đó, các giống cói Mống Cái hoa vàng hay cói Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng đã được trồng thử nghiệm, nhưng không hiệu quả.

Bên cạnh đó, do chưa chú ý xây dựng thương hiệu nên sản phẩm chiếu truyền thống của làng không cạnh tranh được với các loại chiếu khác. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng cói trên địa bàn xã đã chuyển đổi thành cây trồng khác, những hộ làm nghề cũng không còn bao nhiêu.

Những người giữ nghề xưa

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi trở lại làng chiếu Nghĩa Hòa không khí làng nghề rất trầm lắng. Thôn Hòa Tân, là nơi trước đây có số hộ làm nghề chiếu đông nhất xã. Vòng qua nhiều ngõ ngách, tìm hỏi mãi chúng tôi mới đến được nhà cụ Trần Có, một trong số ít người còn giữ nghề làm chiếu truyền thống. Cụ Trần Có nay đã ở tuổi bát tuần, vẫn miệt mài bên từng sợi cói, bó lác để dệt nên những tấm chiếu từ bàn tay chai sần.

chiếu Nghĩa Hòa Làng chiếu Nghĩa Hòa hiện chỉ còn vài hộ dân giữ nghề truyền thống.

Cụ Có bảo, dù sản phẩm bán chậm nhưng vì yêu nghề, cụ vẫn cùng hai người con trai, hằng ngày vẫn miệt mài bên khung dệt. Vùng nguyên liệu ở quê không còn, cụ Có phải đặt hàng của những thương lái buôn chiếu ở tận Bình Định, Quảng Nam.

“Tôi già rồi nên không còn sức làm nhiều, cũng không thể mang chiếu đi bán dạo như ngày xưa. Người nào quen biết thì đến đặt hàng. Hai cha con làm hết một ngày rưỡi thì được hai đôi chiếu, vất vả lắm nhưng bán cũng chỉ được vài trăm ngàn”, cụ Có chia sẻ.

Ở Nghĩa Hòa, giờ đây số hộ làm nghề dệt chiếu truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đối với họ, làm nghề dệt chiếu không đơn thuần vì lý do kinh tế, mà xem đó như một sự hoài niệm về làng nghề một thời vàng son. Bà Đặng Thị Phước (63 tuổi), một trong những nghệ nhân của làng dệt chiếu Nghĩa Hòa, trải lòng: “Tôi biết dệt chiếu từ khi là thiếu nữ. Lấy chồng rồi cùng chồng tiếp tục làm nghề từ bấy đến nay, trở thành đam mê nên không thể dứt bỏ”.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.