Học sinh của các trường PTDT bán trú được tăng mức hỗ trợ theo Nghị định số 66/2025/NĐ-CPTăng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) có 36 lớp và 1.073 học sinh, chủ yếu con em đồng bào các DTTS.
Trước đây, là trường bán trú nhưng tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng khá nhiều do đường xá đi lại khó khăn, nhiều học sinh ở xa trường học. Ban giám hiệu nhà trường, cũng như thầy cô giáo nơi đây thường xuyên phải đến tận bản tuyên truyền vận động các em đến trường.
Theo cô Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Nhà trường, từ khi triển khai thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ- CP của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các em học sinh của trường được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo và giảm học phí. Nhờ đó cũng đã góp phần duy trì sĩ số, bảo đảm học sinh ra lớp đạt kế hoạch.
Tuy nhiên, do giá cả thị trường tăng nên mức hỗ trợ này đã không còn phù hợp với thực tế. Để đảm bảo dinh dưỡng, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP "Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách".
Chính sách hỗ trợ của Nghị định 66 là động lực giúp các em học sinh vùng khó khăn có điều kiện học tập tốt hơnTheo đó, học sinh DTTS học tại các trường PTDT bán trú sẽ được hỗ trợ tiền ăn là 936.000 đồng/tháng (theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, học sinh được hỗ trợ 40% mức lương cơ sở, tương đương khoảng 720 nghìn đồng/tháng học). Bên cạnh tiền ăn, khoản hỗ trợ dành cho học sinh tự túc chỗ ở được nâng 360.000 đồng/tháng (theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP thì mức hỗ trợ này chỉ được 10% mức lương cơ bản).
"Chúng tôi rất vui khi nghe tin học sinh bán trú của nhà trường sẽ được hỗ trợ gần 1,3 triệu đồng/tháng. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc bữa ăn của các em sẽ đầy đủ dinh dưỡng hơn, còn phụ huynh cũng tin tưởng hơn khi gửi con em đến trường", cô Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Dào san cho biết.
Ngoài các chính sách hỗ trợ cho học sinh, các trường phổ thông DTTBT được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy và sinh hoạt. Nhà trường cũng được hỗ trợ kinh phí để tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo điều kiện chăm sóc y tế cho học sinh.
Cô Quàng Thị Niên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Trung học cơ sở Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên phấn khởi chia sẻ, Nghị định 66/2025/NĐ-CP mang lại nhiều thay đổi tích cực cho cả học sinh và nhà trường. Nghị định tăng nhiều khoản tiền hỗ trợ các trường PTDTBT, điều này giúp nhà trường có thêm kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản học sinh bán trú.
Nghị định số 66/2025/NĐ-CP còn mở rộng đối tượng là trẻ em nhà trẻ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và học viên các cơ sở giáo dục thường xuyên theo học hệ THCS và THPTMở rộng đối tượng thụ hưởng
Điều phấn khởi khác, quy định của Nghị định 66/2025/NĐ-CP còn mở rộng đối tượng là trẻ em nhà trẻ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.Theo đó, mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Với mức hỗ trợ thêm về tiền ăn sẽ giúp phụ huynh học sinh giảm bớt đi gánh nặng kinh tế gia đình.
Ngoài ra, điểm mới của Nghị định 66/2025/NĐ-CP là học viên học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên học cấp THCS và THPT thường trú tại các xã ĐBKK, nhà ở xa nơi học tập từ 7-10km cũng sẽ được hỗ trợ chính sách tiền ăn, ở như học sinh học tại các trường PTDT bán trú khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
Theo ông Đường Mạnh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn: Nghị định 66/2025/NĐ-CP đã mang đến nhiều cải thiện trong điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, giúp các em an tâm học tập và phát triển toàn diện.
Thực tế cho thấy, Nghị định 66/2025/NĐ-CP so với mức hỗ trợ trước đây có nhiều điểm đột phá, nhất là việc tăng tiền hỗ trợ về nhà ở, góp phần giúp học sinh nâng cao chất lượng cuộc sống. Với việc bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chính sách cũng góp phần tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh DTTS ở vùng sâu, vùng xa.