Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Rèn kỹ năng sống cho học sinh bán trú

PV - 10:55, 15/09/2021

Cùng với thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) luôn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Nậm Ban hướng dẫn học sinh bán trú gấp chăn, màn
Giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Nậm Ban hướng dẫn học sinh bán trú gấp chăn, màn

Năm học 2021 - 2022, Trường PTDTBT THCS Nậm Ban có 259 học sinh (244 em ở bán trú), chủ yếu là con em các dân tộc: Mông, Mảng, Hà Nhì. Trong đó, có nhiều em từ các bản xa xôi như: Nậm Vạc 1, Nậm Vạc 2, Nậm Vản… đến học tập. Vì vậy, không ít em vẫn duy trì thói quen sinh hoạt chưa văn minh, thiếu các kỹ năng thực hành, giao tiếp, giải quyết vấn đề, đối phó với những khó khăn trong cuộc sống và khả năng tự phục vụ bản thân.

Để rút ngắn khoảng cách giữa các học sinh, đồng thời tạo cho các em môi trường học tập tốt nhất, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục, rèn kỹ năng sống cho học sinh, như: Giao tiếp, giữ gìn vệ sinh cá nhân; gấp chăn, màn, quần áo; sắp xếp đồ dùng, phòng ở, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì… Qua đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao tính tự giác, giúp các em phát triển toàn diện và thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Đến thăm nhà trường vào những ngày đầu năm học, mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn, chủ yếu là phòng học, phòng ở bán kiên cố, khu bán trú nhà trường chỉ có 11 phòng ở, mỗi phòng 17 - 30 học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi ấn tượng bởi các phòng sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Có được điều đó, là nhờ sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Ban Giám hiệu Nhà trường, các thầy, cô giáo chủ nhiệm, đặc biệt là ý thức tự giác của các em.

Em Giàng Thị Mỹ Sinh - học sinh lớp 8A, Trường PTDTBT THCS Nậm Ban tâm sự: “Học tập và sinh hoạt tại trường, em được các thầy, cô giáo hướng dẫn nhiều kỹ năng sống bổ ích. Ban đầu chưa quen, nhưng dưới sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của thầy cô, hiện em và các bạn đều biết tự chăm sóc bản thân, tự giác học tập, rèn luyện”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, việc học tập ngoài giờ trên lớp được thực hiện nghiêm túc, đúng giờ giấc. Công tác vệ sinh chung và giữ gìn vệ sinh khu vực nhà ở của học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng tuần của các lớp. Bên cạnh đó, Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi lao động, tạo cảnh quan trường, lớp sạch, đẹp. Nhờ đó, rèn cho học sinh ý thức tự giác chấp hành nội quy trong giữ gìn vệ sinh chung.

Cô giáo Cao Thị Dương - Tổng phụ trách Đội của Trường PTDTBT THCS Nậm Ban chia sẻ: “Để giúp các em làm quen với môi trường bán trú, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, Nhà trường và Liên đội lồng ghép các nội dung trong bài giảng để giáo dục học sinh đoàn kết, giữ gìn vệ sinh, tinh thần yêu lao động, vượt khó, biết giúp đỡ người xung quanh, tuân thủ quy định của pháp luật. Qua đó, giúp học sinh có thêm kiến thức, tự tin ứng xử tốt với các tình huống trong cuộc sống. Rèn được kỹ năng làm việc theo nhóm, ứng xử văn hóa, hòa đồng với bạn bè, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, môi trường, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác”.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nói chung, đặc biệt là học sinh các trường bán trú là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, thời gian qua, hoạt động rèn kỹ năng sống đã mang lại hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao tính tự giác của các em.

Thầy giáo Đỗ Văn Lý - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Ban cho biết: Ngoài việc chăm lo tốt bữa ăn hàng ngày, Nhà trường còn quan tâm đến chất lượng giáo dục và rèn kỹ năng sống cho học sinh. Luôn tạo điều kiện thuận lợi để các em tham gia các hoạt động, như: Thực hiện nội quy nội trú, cách vệ sinh cá nhân và giữ gìn môi trường xung quanh… Hàng tuần, các khối lớp còn triển khai các buổi sinh hoạt nội trú; phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa về các chủ đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ… Thông qua đó, giúp các em hiểu biết về những kiến thức xã hội cần thiết, học tập tốt, biết tự bảo vệ mình và tự tin hoàn thiện bản thân./.

Tin cùng chuyên mục
Cậu học trò người Dao trở thành Đại sứ Văn hóa đọc Quốc gia

Cậu học trò người Dao trở thành Đại sứ Văn hóa đọc Quốc gia

Em Triệu Đức Duy, dân tộc Dao, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Trới, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) là một trong những học sinh xuất sắc vừa đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc Quốc gia năm 2024. Ngoài nỗ lực, cố gắng trong học tập, Duy còn tích cực đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc tới bạn bè, cộng đồng nơi em học tập, sinh sống.