Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa: Thêm "động lực" mới cho nghệ nhân (Bài 2)

Ngọc Thu - 11:01, 26/11/2023

Thời gian qua, các địa phương bằng nhiều giải pháp, hình thức cũng đã quan tâm, động viên các nghệ nhân ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Việc triển khai chính sách hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dậy những người kế cận được triển khai, rất thiết thực, ý nghĩa, kịp thời động viên các nghệ nhân tiếp tục sống với sự đam mê và tận tâm với bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Các thế hệ đồng bào Gia Rai cùng nhau gìn giữ, trao truyền, nối tiếp di sản văn hoá truyền thống dân tộc Gia Rai dưới mái nhà rông
Các thế hệ đồng bào Gia Rai cùng nhau gìn giữ, trao truyền, nối tiếp di sản văn hoá truyền thống dân tộc Gia Rai

“Động lực” mới cho nghệ nhân

Trên hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nghệ nhân luôn đóng vai trò quan trọng. Do vậy, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ kịp thời từ các địa phương đã tiếp sức giúp các nghệ nhân truyền nghề và giữ nghề.

Mới đây, 4 Nghệ nhân Ưu tú người Ba Na, Gia Rai của tỉnh Gia Lai vừa được hỗ trợ kinh phí để trao truyền văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận. Đây là sự động viên, khuyến khích đối với những “báu vật nhân văn” trong việc cống hiến cho sự nghiệp văn hóa dân tộc.​

Các nghệ nhân được hỗ trợ gồm: nghệ nhân chỉnh chiêng A Lip (làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đak Đoa); nghệ nhân chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Rơ Châm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai); nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng Đinh Văn Hmưnh (làng Mơ Hra - Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); nghệ nhân thực hành lễ hội truyền thống Rơ Ô Bhung (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa). Trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12/2023, mỗi nghệ nhân được hỗ trợ 52 triệu đồng.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai trao kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai trao kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân

Hỗ trợ kinh phí cho 4 Nghệ nhân Ưu tú là hoạt động nằm trong Chương trình MTQG  phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Đây là sự ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, khuyến khích những “báu vật nhân văn” có thêm nhiều hoạt động, sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa cho các thế hệ kế cận.

Nghệ nhân A Lip phấn khởi cho biết: “Ở làng mình, nhiều cháu nhỏ thích chơi chiêng nhưng cũng rất hiếu động, gõ bể cả chiêng. Năm nào mình cũng phải mua thêm chiêng bổ sung. Nay có thêm tiền được hỗ trợ, mình dành một phần để mua cồng chiêng. Mình rất biết ơn vì Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí để mua cồng chiêng, tiếp tục truyền dạy cho các cháu, để các cháu tiếp tục nối tiếp niềm đam mê cũng như văn hóa dân tộc Ba Na của mình”.

Để đảm bảo chính sách đến được với nghệ nhân, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 9, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa diễn ra, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết 06/2023/NQ - HĐND về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ nhằm mục đích góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo niềm tin, động lực để các nghệ nhân cùng nhau đoàn kết, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thông tin: Theo Nghị quyết, Sở đã tiến hành trao kinh phí cho các nghệ nhân gồm Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thường trú tại tỉnh Đắk Lắk và Nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk được huy động tham gia sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. 

Cụ thể, Nghệ nhân Nhân dân được hỗ trợ mức 2 triệu đồng/người/tháng, Nghệ nhân ưu tú 1,5 triệu đồng/người/tháng, Nghệ nhân đang sinh hoạt hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam 1 triệu đồng/người/tháng.

"Ngoài mức hỗ trợ quy định theo Nghị quyết này, các đối tượng được thụ hưởng tại Nghị quyết 06 trên vẫn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Nghị quyết hỗ trợ nghệ nhân của tỉnh Đắk Lắk không chỉ là niềm động viên, khích lệ tinh thần các nghệ nhân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống", ông Lại Đức Đại cho hay.

Tiếp tục cống hiến

Dưới sự chỉ dạy của nghệ nhân tài hoa Rơ Châm Tih, làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia grai, (Gia Lai) nhiều thế hệ học trò đã biết chế tác, biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống. Ngôi nhà sàn của nghệ nhân hiện đã trở thành “trường học” âm nhạc và chế tác nhạc cụ của nhiều người có chung đam mê. Dù bất cứ là ai, kể cả những người nước ngoài yêu mến văn hóa Tây Nguyên tìm đến, đều được nghệ nhân Rơ Châm Tih hướng dẫn chỉ dạy với tất cả tâm huyết, tình yêu lẫn niềm tự hào của anh về văn hóa dân tộc. 

Thật xúc động khi nghe Nghệ nhân Tih chia sẻ: “Với số tiền được hỗ trợ, mình sẽ mua thêm một số dụng cụ như máy cắt để hỗ trợ làm các nhạc cụ truyền thống, giúp công việc dễ dàng, đỡ vất vả hơn, thu hút nhiều em đến học hơn. Lâu nay, nhiều em muốn học chế tác nhạc cụ, nhưng thấy mình làm thủ công khó quá nên bỏ cuộc”.

Từ chính sách hỗ trợ, đãi ngộ kịp thời từ các địa phương đã tiếp sức giúp các nghệ nhân truyền nghề và giữ nghề
Từ chính sách hỗ trợ, đãi ngộ kịp thời từ các địa phương đã tiếp sức giúp các nghệ nhân truyền nghề và giữ nghề

Tương tự, Nghệ nhân Ưu tú Y Zam Êban, buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, là một trong số ít nghệ nhân thực hành thành thạo nhiều loại hình văn hóa truyền thống góp phần làm nên đời sống văn hóa đầy màu sắc của người Ê Đê, như lời nói vần, hát sử thi, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng,… Không những hết lòng gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nghệ nhân Y Zam còn truyền nhiệt huyết bảo tồn văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Y Zam tâm sự: “Từ số tiền hỗ trợ, nhiều nghệ nhân đã có khoản tiền cố định hàng tháng để trang trải kinh tế và có thêm động lực để làm tốt hơn công việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Nghệ nhân ưu tú Y Zam Êban và học trò biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca
Nghệ nhân ưu tú Y Zam Êban và học trò biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca

Trao đổi về chính sách hỗ trợ nghệ nhân, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chia sẻ, những đóng góp quan trọng của đội ngũ nghệ nhân giúp nguồn mạch văn hóa được gìn giữ, tiếp nối, trao truyền và không ngừng phát triển. Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc, các nghệ nhân có thêm động lực để tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo trong việc truyền dạy vốn quý văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, chính sách dành cho nghệ nhân sẽ có tác động xã hội tích cực khi tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; hay vinh danh đãi ngộ các nghệ nhân thực hành, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương ở Tây Nguyên. Đồng thời, chính sách là sự động viên, khích lệ, giải quyết phần nào khó khăn trong đời sống, trong hoạt động thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của các nghệ nhân. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.