Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Âm điệu Klông-pút mãi vang vọng trong đời sống người Xơ Đăng

Chí Tín - Vũ Mừng - 06:13, 11/11/2023

Âm điệu cao, thấp khác nhau tuỳ cách vỗ mạnh hay nhẹ. Chỉ với một chiếc đàn Klông-pút làm bằng 5 ống nứa thôi, người chơi cũng “vỗ’’ trọn vẹn một bài hát với đủ tiết tấu về âm thanh của đại ngàn. Nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng và cây đàn Klông-pút, nghệ nhân Y Sinh đã lặn lội khắp các buôn làng Tây Nguyên để chỉ dạy cho những người trẻ cách chơi loại nhạc cụ đặc sắc này.

Nghệ nhân Y Sinh dạy đàn Klông-pút cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
Nghệ nhân Y Sinh dạy đàn Klông-pút cho những người đam mê văn hóa Xơ Đăng.

Klông-pút-hồn cốt trong sinh hoạt văn hóa của người Xơ Đăng

Ghé thăm thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum hỏi thăm nghệ nhân Y Sinh, mọi người đều nhận được sự chỉ dẫn tận tình từ người dân. Bởi ở đây, tất thảy người dân địa phương đều trân trọng, gọi bà là nghệ nhân mà không dùng những danh xưng thông thường khác. Trong chính cách gọi đó đã thể hiện được sự tự hào, niềm trân trọng của cộng đồng đối với người đã dày công gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trong khi phần lớn những nhạc cụ truyền thống của hầu hết các dân tộc ra đời, thường được gắn với sự tích của những vị thần, thì cái cách mà người Xơ Đăng “khai sinh” ra đàn Klông-pút qua lời kể của nghệ nhân Y Sinh, lại quá đỗi giản đơn và dung dị. Theo lời kể của bà Y Sinh: “Thuở ban đầu, người phụ nữ Xơ Đăng chơi đàn vào mùa phát rẫy. Khi tiếng đàn được cất lên, chim chuột không dám phá hoại mùa màng. Thú dữ trên rừng cũng sợ âm thanh rộn ràng của tiếng đàn mà tránh xa. Cứ như thế, tiếng đàn Klông-pút dần xuất hiện ở hầu hết các nghi lễ, rồi trở thành hồn cốt trong mỗi dịp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Xơ Đăng”.

Nghệ nhân Y Sinh cũng là người rất yêu thích đọc sách
Nghệ nhân Y Sinh cũng là người rất yêu thích đọc sách

Đàn Klông-pút (tiếng Xơ Đăng là Kong Kră) làm từ 2 đến 5 ống nứa rỗng loại lớn, dài ngắn khác nhau. Ống ngắn nhất từ 60 đến 70cm, còn ống dài nhất từ 110 đến 120cm. Đường kính ống khoảng 5 đến 8cm. Những ống này xếp thành một hàng trên giá, các đầu ống xếp bằng nhau ở một bên.

Khi chơi đàn người chơi hơi khom người khum hai bàn tay lại, cách xa miệng ống khoảng 10cm và vỗ để luồng hơi từ hai bàn tay phát ra lùa vào miệng ống. Hơi sẽ làm chuyển động cột khí bên trong bật ra ngoài tạo thành âm thanh. Nghĩa là, người sử dụng không cần chạm tay vào nhạc cụ.

Âm điệu cao, thấp khác nhau tuỳ cách vỗ mạnh hay nhẹ. Chỉ với một chiếc đàn Klông-pút 5 ống thôi, người chơi cũng “vỗ’’ trọn vẹn một bài hát với đủ tiết tấu mà không hề gượng ép. Song, muốn chơi được như vậy, đòi hỏi các nghệ nhân phải tốn nhiều thời gian học cách “vỗ’’ và phải thường xuyên tập luyện.

Việc chế tác mỗi ống nứa trở thành một nốt nhạc để khi tấu lên thành dàn hòa âm đa thanh, ngoài việc cần tới sự kỳ diệu từ đôi bàn tay của người làm, còn phải có khả năng thẩm âm như đã sẵn trong hơi thở. Chỉ khi hội tụ đủ những yếu tố như thế, thân nứa vô tri mới vang lên được âm thanh của đại ngàn.

Cũng kỳ lạ ở chỗ khi kết hợp với đàn Tơ Rưng, cồng chiêng…âm thanh của Klông-pút vang lên cực kỳ thu hút. Nghệ nhân Y Sinh khẳng định: “Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Và khi nhắc tới văn hóa của người Xơ Đăng không thể không nhắc tới cây đàn Klông-Pút”.

Người Xơ Đăng biểu diễn đàn Klông-pút cùng một số nhạc cụ của các đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên
Người Xơ Đăng biểu diễn đàn Klông-pút cùng một số nhạc cụ của các đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên

Những trăn trở đã được … cởi nút thắt

Bước sang tuổi 65, nghệ nhân Y Sinh đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với đàn Klông-pút, với hàng chục bài nhạc của dân tộc mình được bà thể hiện. Nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng, nghệ nhân Y Sinh đã lặn lội qua khắp các buôn làng Tây Nguyên để chỉ dạy cho những người trẻ cách chơi loại nhạc cụ này. Dù rằng, để chơi được đàn Klông-pút không hề dễ dàng, bởi loại nhạc cụ ấy đòi hỏi ở người chơi sự tỉ mẩn rèn luyện qua nhiều năm tháng.

Khó khăn là thế, nhưng nỗi niềm trăn trở của nghệ nhân Y Sinh như được “cởi nút thắt” kể từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai thực hiện.

Nghệ nhân Y Sinh chia sẻ, nhờ có cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ… của cộng đồng các dân tộc đã và đang được bảo tồn, phát triển.

Với đồng bào Xơ Đăng nói riêng, người trẻ bắt đầu say mê và quan tâm nhiều hơn tới bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Ngày càng có nhiều người tìm đến nghệ nhân Y Sinh để học cách chơi loại nhạc cụ độc đáo này.

Nghệ nhân Y Hoa (bên trái) và nghệ nhân Y Thanh (bên phải) biểu diễn cây đàn Klông-pút.
Nghệ nhân Y Hoa (bên trái) và nghệ nhân Y Thanh (bên phải) biểu diễn cây đàn Klông-pút.

Ba năm gắn bó với nghệ nhân Y Sinh, hai nghệ nhân trẻ Y Thanh và Y Hoa dần hiểu hơn về cây đàn Klông-pút. Với hai nghệ nhân này, mỗi một bài nhạc ngân lên từ cây đàn không chỉ thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Xơ Đăng, mà còn phản ánh sinh động quá trình tổ tiên khai hoang lập làng, dựng bản. Nghệ nhân Y Hoa cho biết: “Mỗi buổi trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đều có rất đông các em nhỏ và du khách hào hứng với giai điệu của đàn Klông-pút. Nhiều du khách nước ngoài cũng tìm mua loại nhạc cụ này để làm quà kỷ niệm trong chuyến du lịch tới Việt Nam”.

“Mình sẽ tiếp tục chỉ dạy cho những ai yêu thích đàn Klông-pút về lối chơi và âm điệu của loại nhạc cụ này. Hiện nay, các mô hình làm du lịch cộng đồng cũng biết kết hợp âm nhạc với các sản phẩm thổ cẩm, ẩm thực của đồng bào để thu hút du khách”, nghệ nhân Y Hoa chia sẻ.

Không chỉ nỗ lực đào tạo, chỉ dạy cho những người trẻ, nghệ nhân Y Sinh còn kết hợp với các già làng, trưởng bản tại huyện Đắk Tô thuyết phục những người yêu mến cây đàn Klông-pút đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) để giành thời gian biểu diễn đàn Klông-pút cho du khách vào những dịp Làng tổ chức sự kiện. Bà coi đó vừa là cách hiệu quả để quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho những người theo học...

Nhờ những buổi biểu diễn của nghệ nhân Y Sinh và các học trò tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhiều du khách trong và ngoài nước khi lắng nghe giai điệu trầm bổng của cây đàn Klông-Pút như được hòa mình vào khung cảnh giữa Tây Nguyên đại ngàn. Và chắc chắn, thanh âm ấy sẽ không thể nào mai một trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng, bởi còn có những người như nghệ nhân Y Sinh: Suốt cuộc đời mình, vẫn nặng lòng với đàn Klông-pút…

Tin cùng chuyên mục
Vị Xuyên hôm nay...

Vị Xuyên hôm nay...

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, trở thành một điểm nóng ác liệt. Ở đây, những câu chuyện về sự hi sinh của người lính đã trở thành một bản anh hùng ca bất diệt. Và sự “thay da đổi thịt” ở mảnh đất này ngày hôm nay làm càng tôn lên giá trị của hòa bình, mang theo đó là những ước vọng nơi biên cương Tổ quốc.