Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm: "Vênh" giữa nhu cầu đào tạo và chính sách tuyển dụng

Hồng Phúc - 17:21, 22/07/2021

Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt là Nghị định 116) được kỳ vọng tạo thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như việc giải quyết vấn đề thất nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, với quy định: Sau khi ra trường, sinh viên sư phạm không làm trong ngành giáo dục phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ học tập và sinh hoạt, sẽ được thực hiện như thế nào là vấn đề không hề dễ.


Thu hồi kinh phí đối với sinh viên sư phạm đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Ảnh: minh họa
Thu hồi kinh phí đối với sinh viên sư phạm đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Ảnh: minh họa

Kỳ vọng mới, vướng mắc cũ

Trước khi Nghị định 116 ra đời, Luật Giáo dục 2005 cũng đã có quy định, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, Nhà nước miễn học phí cho các em thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm như: Sử dụng ngân sách chưa đảm bảo hiệu quả do sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành; thiếu nguồn lực đầu tư; không công bằng với các ngành học khác; không thu hút được sinh viên khá giỏi vào ngành Sư phạm…

Để điều chỉnh tồn tại này, Nghị định 116 ra đời, với mục tiêu, ngân sách Nhà nước phải được sử dụng hiệu quả, cấp đúng đối tượng, sinh viên sư phạm phải làm đúng ngành Sư phạm. Theo đó, ngoài miễn phí học phí 100%, sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí khoảng 3,63 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng 1 năm học. Nhưng 2 năm, kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành giáo dục, hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Nghị định 116 bắt đầu áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm học 2021 - 2022.

Trên thực tế vấn đề bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đào tạo, nếu đối tượng thụ hưởng không thực hiện đúng quy định, không phải là vấn đề mới. Điều đáng quan tâm là, cơ sở để thu hồi lại kinh phí như thế nào cho đúng.

Trao đổi vấn đề này, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc thu hồi kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm rất khó để xử lý, nếu không có chế tài cụ thể. Điều này tương tự như rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển vi phạm cam kết. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 10 sinh viên thuộc diện cử tuyển vi phạm quy định phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Tỉnh đã giao cho các sở liên quan đôn đốc thu hồi kinh phí đào tạo, nhưng sau 5 lần thông báo vẫn chưa thu hồi được.

Hiện nay, sinh viên sư phạm ra trường còn dồn ứ lại hàng chục nghìn người qua nhiều năm, gần như địa phương nào cũng đang có rất nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp do những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành và ngay cả Thủ đô Hà Nội tuyển dụng rất ít; thậm chí hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa giải quyết xong bài toán khi địa phương có chủ trương cắt hợp đồng.

Sinh viên sư phạm - liệu có bị 'kẹt" ?

Em Lò Thị N. H. (Điện Biên) dự định nộp hồ sơ xét tuyển ngành Giáo dục tiểu học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Em rất mong muốn được trở thành cô giáo. Sau khi tìm hiểu Nghị định 116, em thấy rất phấn khởi vì được hỗ trợ học phí, phí sinh hoạt. Tuy nhiên, em cũng rất lo lắng vấn đề phải bồi hoàn kinh phí này sau nếu không công tác trong ngành Giáo dục, bởi em biết thực tế việc thi vào biên chế giáo viên hiện nay không hề dễ dàng. Nếu không được công tác trong ngành, thì khoản bồi hoàn cũng sẽ trở thành gánh nặng của em và gia đình”.

Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí và thu hồi đối với sinh viên sư phạm không phải là cái gốc của việc thừa thiếu giáo viên (Trong ảnh: Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trong giờ lên lớp)
Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí và thu hồi kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm không phải là cái gốc của việc thừa thiếu giáo viên (Trong ảnh: Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trong giờ lên lớp)

Chắc chắn trường hợp như em H. sẽ không phải là hiếm. Tất nhiên, không vào được biên chế, với chế độ đãi ngộ thấp, chức danh là giáo viên hợp đồng, thì sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm chọn bỏ nghề, làm nghề tay trái là điều dễ hiểu.

Vấn đề đặt ra là, nếu như sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, thi tuyển viên chức giáo viên không đỗ, hoặc bị cắt hợp đồng, hay địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên thì bắt các em bồi hoàn kinh phí liệu có công bằng?

Trong khi đó, cơ sở pháp lý của việc bồi hoàn kinh phí này triển khai chưa rõ. Ví dụ, với trường hợp không trúng tuyển khi tuyển dụng, hoặc sinh viên sư phạm của tỉnh này được hỗ trợ kinh phí đào tạo, nhưng lại trúng tuyển vào làm giáo viên ở địa phương khác, thì có phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ trong thời gian học tập hay không? 

Tại Hội nghị triển khai Nghị định 116 (tháng 4/2021) vừa qua, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho hay, trước khi thực hiện Nghị định này, các địa phương nên đánh giá thực trạng sử dụng nguồn nhân lực của địa phương thừa, thiếu như thế nào; nhưng cũng cần xem xét một thực tế là, quy mô trường lớp hằng năm tăng trong khi Bộ Nội vụ hằng năm lại cắt biên chế, do đó giáo viên thì nhiều nhưng không thi vào biên chế được. 

Trên thực tế, khi tốt nghiệp, không có mấy sinh viên sư phạm muốn từ bỏ nghề mà bản thân mình đã theo đuổi trong 4 năm học tập, phấn đấu. Nhưng, cơ hội để được tuyển dụng và cống hiến cho ngành Giáo dục vẫn còn nhiều rào cản, bởi đầu ra cho đào tạo giáo viên - định biên lại do Bộ Nội vụ quyết định.

Vậy nên sinh viên sư phạm bị kẹt ở giữa, một mặt được khuyến khích thi sư phạm bằng  cơ chế hỗ trợ tốt, nhưng đầu ra lại chồng chéo vướng mắc và phải đối diện với nguy cơ bồi hoàn học phí, mặc dù vẫn muốn cống hiến cho ngành Giáo dục.

Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí và thu hồi kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm, không phải là cái gốc của việc thừa thiếu giáo viên, lãng phí nguồn lực xã hội. Điều này, thuộc về lĩnh vực xây dựng chính sách vĩ mô, về dự báo nhân lực của ngành Giáo dục và các địa phương một cách khả thi, khoa học, chứ không thể “nước chảy đến đâu xây cầu đến đấy”.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.