Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Chính thức khai thác mỏ cát biển đầu tiên ở ĐBSCL cách đất liền 40km

Như Tâm - Tào Đạt - 22:13, 01/07/2024

Ngày 29/6, UBND tỉnh Sóc Trăng và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tổ chức Lễ khởi công khai thác mỏ cát biển tại tiểu khu B1.1 thuộc khu B1 vùng biển tỉnh Sóc Trăng. Đây là mỏ cát biển đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khai thác nhằm phục vụ các dự án theo cơ chế đặc thù của Quốc hội.

Khai thác mỏ cát biển thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng
Khai thác mỏ cát biển thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng

Theo Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, đơn vị sử dụng phương pháp khai thác bằng cách cho các vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Việc khai thác này không tạo hố sâu nên không dẫn đến việc xói lở.

"Với 6 triệu m3 đơn vị sẽ thi công trong 6 tháng. Công suất đăng ký từ 35.000-50.000m3/ngày được tính toán từ nhu cầu, tiến độ cấp cát về các dự án", ông Đỗ Minh Châu - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thông tin.

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý Mỹ Thuận cho biết, sau ngày 1/7 sẽ vận chuyển đến công trường để thi công thí điểm đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau: Từ Km 81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223 thuộc địa bàn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu); huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang); huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và từ Km 6+522 đến Km16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau thuộc địa bàn các huyện Thời Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, (tỉnh Cà Mau).

Tàu khai thác cát biển tại khu vực B1
Tàu khai thác cát biển tại khu vực B1

Được biết, tiểu khu B1.1 và B1.2 (khu mỏ cát biển B1) thuộc vùng biển tỉnh Sóc Trăng, có diện tích 99,95ha. Khu mỏ cát thuộc vùng biển trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C khai thác. Đây cũng là mỏ cát biển đầu tiên của ĐBSCL được chính thức đưa vào khai thác để phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm.

Nguồn cát biển tại 2 tiểu khu B1.1 và B1.2 được khai thác để cung cấp cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau).

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tham dự buổi lễ.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tham dự buổi lễ

Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai thi công các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh và một số dự án trọng điểm khác, với tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m³.

Trước đó, dù các địa phương đã áp dụng cơ chế đặc thù của Chính phủ trong việc cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, tiến độ thi công.

Việc khởi công đưa vào khai thác mỏ cát biển đầu tiên của vùng ĐBSCL tại Sóc Trăng sẽ góp phần giải quyết “cơn khát cát san lấp” của các dự án trong vùng, đồng thời đảm bảo tiến độ được Chính phủ giao.

Các đơn vị được giao khu vực biển khai thác phải đáp ứng yêu cầu không được làm ảnh hưởng, gây thiệt hại đến tài nguyên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; cải tạo, phục hồi, cải thiện môi trường tại khu vực biển được giao sau khi hết thời hạn khai thác.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Khánh thành nhà rông làng Kon Leang

Kon Tum: Khánh thành nhà rông làng Kon Leang

Chiều 30/3, đồng bào Xơ Đăng làng Kon Leang, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã tổ chức Lễ khánh thành nhà rông truyền thống. Nhà rông được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Công đoàn Văn phòng Trung ương Đảng, Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và đóng góp của dân làng Kon Leang.