Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hội LHPN Việt Nam: Thiết kế nhiều mô hình thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS

Thúy Hồng - 18:35, 28/06/2024

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miên núi (Chương trình MTQG 1719), Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều cách làm sáng tạo, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (người mặc áo dài) trao đổi với các đại biểu về các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới .
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (người mặc áo dài) trao đổi với các đại biểu về các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới .

Xây dựng, thiết kế nhiều mô hình thiết thực

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Triển khai dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thiết kế, xây dựng nhiều mô hình cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi. Cụ thể tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH; Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng…

Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em DTTS, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Cả nước thành lập 1.556/1800 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi
Cả nước thành lập 1.556/1800 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi

Triển khai thực hiện Dự án 8 trong giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN Việt Nam đã xác định 8 chỉ tiêu cốt lõi và giao cụ thể cho từng địa phương đảm nhận, gồm: 9.000 Tổ truyền thông cộng đồng, 3.000 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản; 1.000 địa chỉ tin cậy cộng đồng: 1.800 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi được củng cố, hoặc thành lập mới tại cộng đồng, 500 tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý được hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường...

Từ mục tiêu tổng quát của Dự án 8, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới đến hội viên và Nhân dân. Sau 3 năm triển khai Dự án 8 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình cho biết: Việc triển khai Dự án 8 góp phần khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức Hội, cũng như khẳng định năng lực quản lý của cán bộ Hội. Bên cạnh đó, các nội dung, mô hình của Dự án đã tác động rõ rệt đến các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn như phòng chống xâm hại tình dục, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới qua các mô hình

Để Dự án 8 đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em DTTS, Hội LHPN Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng các mô hình thuộc Dự án 8 như: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; “Địa chỉ tin cậy” và tổ truyền thông cộng đồng…

Cùng với việc tổ chức ra mắt các mô hình, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân và vận hành “Địa chỉ tin cậy”; hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông, tổ chức sinh hoạt cho thành viên của các mô hình, câu lạc bộ và người dân trong cộng đồng…

Từ hoạt động của các mô hình của Dự án 8 đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi
Từ hoạt động của các mô hình của Dự án 8 đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi

Chị Nông Thị Nga, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đại Nam, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Được các cấp hội tuyên truyền về bình đẳng giới tôi có thêm hiểu biết, nhận thức đúng đắn về quyền và lợi ích của phụ nữ trên các lĩnh vực. Trong gia đình, tôi chủ động phân chia công việc đồng áng, việc nhà với chồng, mặc dù hiện tại tôi có 2 con gái nhưng vợ chồng thấu hiểu nhau, không còn quan niệm trọng nam khinh nữ nên vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm, chỉ đẻ 2 con để nuôi dạy con cho tốt.

Theo báo cáo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tính đến tháng 5/2024, tại 40 tỉnh được phân bổ ngân sách từ Trung ương đã tập trung triển khai có hiệu quả các mô hình cốt lõi của Dự án 8, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cả nước đã thành lập được 8.624/9.000 tổ truyền thông cộng đồng, truyền thông cho 368.302 người dân tại cộng đồng (đạt 95,8% chỉ tiêu giai đoạn 1); Thành lập, củng cố 1.809/1000 địa chỉ tin cậy (vượt 809 địa chỉ); Thành lập 1.556/1800 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho 135/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Hội LHPN Việt Nam cùng các cấp hội phụ nữ ở cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi
Hội LHPN Việt Nam cùng các cấp hội phụ nữ ở cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi

Ngoài ra, các tỉnh đã tổ chức tập huấn về kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 2.611/2.000 cán bộ nữ (vượt 611 người); Tổ chức 21 cuộc tập huấn cho cán bộ huyện, xã để nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị; Tổ chức 180 cuộc tập huấn cho trưởng thôn/bản, Người có uy tín cho 41.614 người;...

Đối với các Hội LHPN 10 tỉnh, thành phố tự chủ ngân sách cũng đã chủ động thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Dự án phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các hoạt động của Dự án 8 bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của những Người có uy tín tại cộng đồng, trưởng thôn, bản trong thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Diện mạo mới trên bản người Mảng

Diện mạo mới trên bản người Mảng

Pá Sập thuộc xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là bản có đông đồng bào Mảng sinh sống. Pá Sập từng là bản khó khăn, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lai Châu thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, cuộc sống của đồng bào Mảng cũng như diện mạo cơ sở hạ tầng của bản đang dần đổi thay.