Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Chợ Đồn, Bắc Kạn: Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc Mông

PV - 09:06, 02/05/2019

Những năm qua, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chính sách dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc Mông. Nhờ đó, kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông có bước cải thiện tích cực.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Chợ Đồn có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Chợ Đồn có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ bao đời nay, thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung là nơi sinh sống của 65 hộ đồng bào dân tộc Mông. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các Chương trình 134, 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới... đồng bào Mông trên địa bàn được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ về phân bón, giống cây trồng, vật nuôi… nên cuộc sống có nhiều đổi thay so với trước. Cùng với việc trồng lúa nương, toàn thôn trồng hơn 10ha lúa nước; đồng bào Mông tập trung phát triển chăn nuôi trâu, lợn thịt và dê để phát triển kinh tế. Trung tâm thôn Vằng Doọc hiện có điểm trường với một lớp mầm non và ba lớp tiểu học, tạo điều kiện cho hơn 20 trẻ em nơi đây được đến lớp đúng độ tuổi.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các hộ dân trên địa bàn tập trung phát triển kinh tế đồi rừng. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, thôn Vằng Doọc phát triển được khoảng 40ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trong toàn thôn lên trên 300ha.

Ông Hà Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: Xã có 3 thôn Bản Pèo, Khuổi Đẩy, Vằng Doọc thuộc diện đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, năm 2018, đồng bào Mông trên địa bàn đã được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, phân bón hóa học, giống lợn nuôi thịt, máy nông nghiệp với kinh phí khoảng gần 1 tỷ đồng. Đã có 36 hộ dân được hỗ trợ 194 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn thịt trong năm 2018.

Những chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế. Trưởng thôn Lũng Noong, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, ông Ngô Văn Tịnh cho biết: giờ đây đồng bào Mông không còn thiếu ăn như xưa. Các hộ dân trong thôn đã được hỗ trợ giống vật nuôi, phân bón hóa học, máy nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật và thực hiện mô hình chăn nuôi dê. Đến nay, hầu hết các hộ trong thôn Lũng Noong đều chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn. Hộ ít khoảng 2 con, những hộ nhiều nuôi khoảng 10 con. Chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn đang trở thành nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế của đồng bào Mông ở Lũng Noong.

Chị Sùng Thị Mây, ở thôn Vằng Doọc phấn khởi chia sẻ, năm 2018, chị được chính quyền hỗ trợ 5,3 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn sinh sản. Được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phối giống, từ một con lợn, chị Mây phát triển lên thành đàn lợn ba con. “Tuy chưa thoát hẳn đói nghèo, nhưng nguồn hỗ trợ đã giúp gia đình chị có nguồn lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, chị Mây chia sẻ.

Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn khẳng định: Những năm qua, việc triển khai tốt các chính sách, chương trình, dự án đã giúp đời sống của đồng bào Mông trên địa bàn huyện có sự chuyển biến rõ rệt. Các chương trình xóa đói giảm nghèo đã và đang phát huy có hiệu quả, bằng việc hỗ trợ giống lợn, phân bón, máy nông nghiệp… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Mông luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tổ chức xã hội quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố phát triển với 22 trạm y tế xã, thị trấn, đến nay đã có 13 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cùng đó, các chính sách đầu tư cho giáo dục-đào tạo được quan tâm, bằng việc hỗ trợ các trường có học sinh bán trú dân nuôi trên địa bàn, đầu tư cơ sở vật chất…

Thời gian tới, huyện Chợ Đồn sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền vận động và nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Mông về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, giúp người dân ổn định sản xuất, tiến tới thoát nghèo bền vững, ông Dương Văn Hoàn cho biết thêm.

MINH THU