Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Cho người nghèo “cần câu”

PV - 09:36, 02/07/2018

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo, vấn đề đặt ra được các cấp, các ngành ở nhiều địa phương quan tâm là cho người nghèo “cần câu” hay cho “con cá”. Dự án hỗ trợ người nghèo ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cho thấy, việc cho người nghèo “cần câu” mới thực sự giúp người nghèo một cách căn cơ.

Được nhận bò từ Dự án hỗ trợ người nghèo nhiều gia đình ở thị trấn Đăk Rve có thêm động lực để thoát nghèo. Được nhận bò từ Dự án hỗ trợ người nghèo nhiều gia đình ở thị trấn Đăk Rve có thêm động lực để thoát nghèo.

 

Khi trao đổi về câu chuyện “cần câu”, “con cá”, không thuyết trình dài dòng, ông Nguyễn Xuân Biên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve khuyên tôi đến gặp các hộ nghèo thực hiện Dự án hỗ trợ người nghèo (còn gọi là Dự án PRPP) để tự cảm nhận.

Cái “cần câu” được các cán bộ địa phương ví von ở đây thực chất là những con bò sinh sản từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ người nghèo và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cho các hộ nghèo ở thôn 7, 8 của thị trấn Đăk Rve thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đã và đang phát huy hiệu quả.

Không rụt rè, mặc cảm vốn thường thấy ở các hộ nghèo, A Lơm (thôn 7) khoe: Năm 2014, Dự án hỗ trợ hộ nghèo cho gia đình tôi 10 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 10 triệu đồng, gia đình mua con bò cái sinh sản. Con bò này đến nay đẻ được 4 con. Vừa rồi, gia đình tôi bán 3 con bò để sửa lại ngôi nhà và hoàn trả 10 triệu đồng cho dự án để ban quản lý dự án xã cho các hộ khác vay theo quy định. Bây giờ, còn lại 2 con bò được gia đình tiếp tục nuôi để nó sinh sản.

“Từ ngày nuôi bò, gia đình lấy phân bò ủ hoai mục bón cho cây trồng, sản xuất nông nghiệp phát triển. Cảm ơn dự án cho gia đình mình cái “cần câu”. Nhờ vậy, kinh tế gia đình phát triển hơn trước!”, A Lơm khẳng định.

Trên thực tế, có nhiều hộ nghèo được Dự án hỗ trợ giảm nghèo cho mượn vốn và vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua bò nuôi đã thoát nghèo. Không giấu niềm vui, bà Bạch Thị Hồng (thôn 8) phấn chấn kể: Năm 2014, gia đình tôi được Dự án hỗ trợ giảm nghèo hỗ trợ 10 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng. Gia đình mua con bò cái làm giống hết 17 triệu đồng, còn lại 3 triệu đồng đầu tư mở rộng sản xuất.

Con bò giống không phụ công người chăm sóc đã sinh cho gia đình bà Hồng 2 con bò con. Từ ngày có vốn mở rộng sản xuất, có phân bò bón cho cây trồng, việc gieo trồng lúa, ngô, mỳ… của gia đình bà Hồng hiệu quả hơn. Lấy ngắn nuôi dài, bà Hồng trồng 0,5 sào cà phê. Cuộc sống gia đình khấm khá dần.

Khoe căn nhà mới, bà Hồng cho biết: Gia đình tôi vừa bán 2 con bò nghé 16 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích lũy được xây dựng nên căn nhà này. Cuối năm 2017, gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo. Gia đình tôi mang ơn dự án hỗ trợ người nghèo nhiều lắm!

Ông Nguyễn Xuân Biên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve khẳng định, để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, việc trao cho người nghèo “cần câu” như cách làm của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là rất cần thiết và hiệu quả. Cách làm này, đã giúp họ có ý thức vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, không dựa dẫm, ỷ lại Nhà nước.

Từ sự thành công của Dự án hỗ trợ giảm nghèo cho 30 hộ nghèo ở thị trấn vay mượn vốn (không tính lãi) nuôi bò năm 2014, đến năm 2016, thị trấn Đăk Rve thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 25 hộ nghèo khác. Cũng với phương thức cho người nghèo cái “cần câu”, 25 hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện Dự án nhân rộng mô hình người nghèo nuôi bò ở thị trấn Đăk Rve nay cũng đều nuôi bò thành công và có thêm bò con.

Văn Nhiên

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.