Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Chờ tái định cư, nhiều hộ dân phải dựng lều sống bên suối

PV - 10:24, 03/06/2019

Sắp đến mùa mưa bão, tuy nhiên, nhiều hộ dân ở huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn đang phải sống trong những túp lều tạm bợ ven suối, ven đồi để chờ được về khu tái định cư (TĐC). Đây là những hộ bị ảnh hưởng do sạt lở khi thủy điện xả lũ từ những năm 2017, 2018.

Một trong những căn nhà của người dân thuộc diện di dời vì nguy cơ sạt lở ở xã Lượng Minh. Một trong những căn nhà của người dân thuộc diện di dời vì nguy cơ sạt lở ở xã Lượng Minh.

Theo phản ánh của người dân 2 bản Minh Phương và bản Lá, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, cuộc sống người dân trong bản đang gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, vì phải ở trong các lều tạm bên đường, bên suối chờ xây dựng khu TĐC. Mặc dù thời gian đã gần 3 năm trôi qua, nhưng khu TĐC vẫn xây dựng theo kiểu “rùa bò” nên không biết đến lúc nào họ được chuyển về chỗ ở mới. Mặc dù tình trạng trên đã được kiến nghị lên chính quyền các cấp nhiều lần, thế nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ, bởi vậy người dân rất lo lắng khi mùa mưa lũ đã đến gần.

Bà Lô Thị Lân, ở bản Minh Phương cho biết: Tháng 8/2018 trong đợt xả lũ của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ đã cuốn trôi đất ở và ngôi nhà kiên cố của gia đình. Không có đất nên 6 người trong gia đình bà phải dựng chiếc lều ở tạm ven đường, chờ Nhà nước xây xong khu TĐC. Cuộc sống tạm bợ gặp nhiều khó khăn, không điện, không nước và luôn đối diện với nguy hiểm khi mùa mưa bão đến gần.

Qua tìm hiểu, người dân lo lắng và kiến nghị là có cơ sở. Toàn huyện Tương Dương hiện nay có 71 hộ dân cần di dời khẩn cấp, gồm 34 hộ dân thuộc 2 bản Lả và Minh Phương, xã Lượng Minh (bị ảnh hưởng sạt lở ven sông, thuộc Thủy điện Nậm Nơn). Sau đợt thủy điện Bản Vẽ xả lũ năm 2018, có thêm 37 hộ bị thiệt hại cũng phải di dời đến nơi ở mới.

Để ổn định chỗ ở cho các hộ dân này, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch di dời khẩn cấp đến chỗ ở an toàn. Theo đó, tỉnh Nghệ An giao cho UBND huyện Tương Dương bố trí quỹ đất và quy hoạch để sớm chuyển các hộ dân đến đây để ổn định cuộc sống. Các phương án hỗ trợ cũng đã được thực hiện. Cụ thể: Đối với 34 hộ thuộc vùng ảnh hưởng sạt lở Thủy điện Nậm Nơn đã được hỗ trợ 6,5 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 4 tỷ đồng, Thủy điện Nậm Nơn hỗ trợ 2,5 tỷ đồng). Còn với 37 hộ bị ảnh hưởng, do Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại, mỗi hộ dân được hỗ trợ 70 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, Thủy điện Bản Vẽ hỗ trợ 20 triệu đồng, chủ yếu là tiền di dời nhà cửa đến nơi ở mới).

Tuy nhiên, điều đáng nói, đến thời điểm này, người dân vẫn chưa thể chuyển về chỗ ở mới để ổn định cuộc sống do tiến độ xây dựng khu TĐC quá chậm. Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết: “Chúng tôi cũng hết sức lo lắng cho cuộc sống bà con mỗi khi mùa mua bão đến, nhưng xã bất lực, bởi nguồn kinh phí để xây dựng khu TĐC, di dời dân là nằm ngoài khả năng của địa phương. Đã nhiều lần, xã kiến nghị lên UBND huyện nhưng không hiểu lý do gì mà việc xây dựng khu TĐC vẫn chưa hoàn thành”.

Trao đổi về thực tế này, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tương Dương cho biết: Về phía huyện cũng đã lựa chọn địa điểm, quy hoạch 3 vùng TĐC. Từ đầu năm 2019, các khu TĐC đã được triển khai thi công, tuy nhiên do thiếu kinh phí nên dự án triển khai chậm. Cụ thể khu TĐC cho 34 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở Thủy điện Nậm Nơn, được quy hoạch xây dựng san nền 39.895m2, cùng với hệ thống nước sinh hoạt, điện tổng trị giá trên 13 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngân sách tỉnh, nhưng đến nay chỉ mới được giải ngân 3/13 tỷ đồng.

Khu TĐC thứ hai cho 17 hộ ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh, ở bản Xốp Mạt, trị giá 7 tỷ đồng, chỉ mới đạt 70% khối lượng san nền. Khu TĐC thứ ba ở khe Chóng, bản Vẽ, xã Yên Na, cho 20 hộ dân được quy hoạch ở bản Vẽ, vùng công nhân xây dựng nhà máy thủy điện trước đây sinh sống. Khu TĐC này, hiện đã có 12/20 hộ vào dựng nhà ở, tuy nhiên khó khăn đặt ra hiện nay là khu TĐC chưa được đầu tư đường giao thông, điện, nước. Chúng tôi cũng mong muốn, nguồn vốn được bố trí để việc xây dựng sớm hoàn thành nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, ông Thắng trăn trở.

Thiết nghĩ, đây là dự án khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm nên chính quyền tỉnh Nghệ An cần quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc; xem xét ưu tiên nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các khu TĐC để các hộ sớm được chuyển về nơi an toàn, trước mùa mưa lũ đang đến gần...

Chúng tôi cũng hết sức lo lắng cho cuộc sống bà con mỗi khi mùa mua bão đến, nhưng xã bất lực, bởi nguồn kinh phí để xây dựng khu TĐC, di dời dân là nằm ngoài khả năng của địa phương. Đã nhiều lần, xã kiến nghị lên UBND huyện nhưng không hiểu lý do gì mà việc xây dựng khu TĐC vẫn chưa hoàn thành”. (Ông Vi Đình Phúc,  Chủ tịch UBND xã Lượng Minh)

MINH THỨ