Ngập úng nghiêm trọng do mưa dông kết hợp triều cường
Theo ghi nhận, chiều tối qua, tại Nam Bộ và TP.HCM xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ liên tục, nhiều tuyến đường ven sông, rạch ngập nặng. Tại một số khu vực còn xảy ra triều cường dâng cao đã khiến giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Thông tin từ ứng dụng cảnh báo ngập nước và triều cường UDI Maps của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mưa lớn đã kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ mới ngớt, khiến hàng loạt tuyến đường trên địa bàn các Quận 7, 8, thành phố Thủ Đức và các huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè… xảy ra tình trạng ngập úng, các phương tiện di chuyển khó khăn trên đường. Tại khu vực phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, nhiều tuyến đường như Quốc Hương, Tống Hữu Định, đường số 41… bị ngập nặng.
Cũng trong chiều qua, tại một số khu vực xuất hiện triều cường dâng cao đã khiến nhiều tuyến đường ven sông rạch bị ngập nước. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mức triều tại trạm đo Nhà Bè sông Đồng Điền đạt 1,66m, trạm Phú An sông Sài Gòn đạt 1,64m. Mức triều này đều vượt trên báo động 3. Thêm vào đó, mưa xảy ra vào khung giờ triều cường đạt đỉnh khiến ngập càng thêm nặng.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước tại hầu hết trạm vùng hạ lưu trên các sông Nam Bộ tiếp tục lên nhanh và ở mức cao, vượt báo động III.
Tại tỉnh Bình Thuận, các cơ quan chức năng phải phong tỏa một phần tuyến đường Lạc Long Quân thuộc xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết do cát đỏ tràn xuống gây ngập đường, sụp mố cây cầu tại khu vực này. Lực lượng Thanh tra giao thông, Công an địa phương huy động quân số ứng trực, ngăn xe qua lại khu vực cát đỏ tràn xuống gây ngập đường, đồng thời khẩn trương triển khai khắc phục sự cố.
Tại tỉnh An Giang, Đài khí tượng thủy văn cũng phát cảnh báo nhiều huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn có khả năng xảy ra ngập lụt cục bộ trong những ngày đầu tháng 10 do mưa lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp đợt triều cường mạnh. Mực nước trên các trạm trên sông, nội đồng trong tỉnh đang đạt mức và trên mức báo động 3 từ 10-20cm và tiếp tục lên chậm. Mực nước trên sông Tiền, sông Hậu hiện cao hơn so với cùng kỳ năm trước 4-7cm.
Tại tỉnh Vĩnh Long, sáng nay, một số tuyến đường trong nội ô thành phố bị ngập sâu trong nước, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Cụ thể, các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Hưng Đạo Vương, đường 2 tháng 9, Võ Thị Sáu, Phạm Thái Bường, Trần Phú… có nơi ngập sâu đến khoảng 40 cm. Triều cường dâng cao vào thời điểm đi học và đi làm gây ra cảnh hỗn loạn tại các điểm giao, ngã tư.
Cơ quan Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nhiều nơi ở Nam Bộ nguy cơ ngập úng nghiêm trọng do mưa dông kết hợp triều cường. Dự báo trong tháng 10 sẽ có 2 đợt triều cao, đợt giữa tháng có khả năng thấp hơn đợt cuối tháng. Mực nước đỉnh triều cao nhất tháng và thấp nhất tháng xuất hiện vào tuần cuối tháng, ở mức xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2022.
Chủ động ứng phó với triều cường gây ngập úng
Để chủ động ứng phó với triều cường và nguy cơ sạt lở, ngập lụt, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến triều cường, nguy cơ ngập lụt, sạt lở; tăng cường thông tin, truyền thông để thông báo kịp thời cho người dân biết, chủ động phòng, tránh, ứng phó, nhất là thời điểm đỉnh triều.
Đồng thời triển khai lực lượng xung kích tổ chức rà soát, xác định các vị trí xung yếu trên các tuyến đê bao, bờ bao; tuần tra, canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện (cừ chàm, bao tải cát...) để sẵn sàng xử lý giờ đầu khi có tình huống.
Cùng với đó, chủ động phương án phòng chống ngập úng, vận hành hệ thống cống, trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là khu dân cư tập trung, sản xuất cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; chủ động kế hoạch thu hoạch các diện tích đã đến thời kỳ thương phẩm.
Ngoài ra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực bị ngập lụt như trông giữ trẻ tập trung, đưa rước trẻ tới trường để phòng tránh đuối nước.
Đặc biệt, tăng cường thông tin, truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó như ngăn nước vào nhà, kê cao đồ đạc, ngắt các thiết bị điện khi nhà bị ngập.
Bên cạnh đó, tổ chức cắm biển cảnh báo, canh gác, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các khu vực ngập lụt, nước chảy xiết, sạt lở, nhất là tại các khu vực đông dân cư, ven sông, kênh, rạch. Duy trì các chốt cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu. Thường xuyên báo cáo nhanh công tác triển khai thực hiện và tình hình thiệt hại (nếu có) về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai.
Để chủ động ứng phó với thời tiết mưa nhiều và triều cường, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành chức năng, cơ quan đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đợt triều cường này.
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ thực hiện thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của mưa và các đợt triều cường cho người dân biết, chủ động ứng phó; khuyến cáo người dân, doanh nghiệp kiểm tra an toàn các thiết bị điện, di dời, kê cao thiết bị, vật tư, hàng hóa, hóa chất, vật dụng…; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực khi xảy ra ngập lụt, nhất là các khu vực trông giữ trẻ tập trung, đưa rước trẻ tới trường để phòng tránh đuối nước.