Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chư Pưh (Gia Lai): Nỗ lực xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng DTTS

Ngọc Thu - 14:25, 02/05/2024

Sau 3 năm triển khai những hoạt động thiết thực thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719), bước đầu đã và đang góp phần xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xóa bỏ những tập tục văn hoá có hại; cũng như giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã góp phần xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng DTTS tại huyện Chư Pưh
Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã góp phần xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng DTTS tại huyện Chư Pưh

Tại làng Ia Ngăng, xã Chư Don, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” thuộc Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719, đã phát huy hiệu quả khi kịp thời giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, góp phần xóa bỏ các định kiến giới trong gia đình, cộng đồng.

Địa chỉ tin cậy cũng là nơi chị em chia sẻ cách làm hay, giúp nhau phát triển kinh tế. Đặc biệt, mô hình có sự tham gia của nam giới trong làng, họ cũng được tư vấn cách cùng chung tay với chị em giữ "lửa" hạnh phúc gia đình. Qua đó, góp phần tích cực vào chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, cộng đồng.

Các thành viên của mô hình ""Địa chỉ tin cậy cộng đồng" tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, trong gia đình, cộng đồng
Các thành viên của mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, trong gia đình, cộng đồng

Chị Kpă H’Len làng Ia Ngăng chia sẻ: Mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" tập trung cho công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; hằng tháng sinh hoạt định kỳ để các thành viên báo cáo tình hình địa bàn phụ trách. Đặc biệt, là bảo vệ chị em phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi bạo lực gia đình, bạo lực trong cuộc sống hằng ngày, từng bước tạo môi trường sống an bình, ấm no và hạnh phúc. Nhờ vậy, trong làng mình chưa có xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.

Cùng với đó, Mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Dự án 8 đã trở thành mô hình thiết thực và phù hợp với trẻ em, nhất là trẻ em gái nhằm hướng đến mục tiêu tuyên truyền về bình đẳng giới. Thông qua mô hình này, các em được nói lên tiếng nói của mình, được bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình, trong nhà trường và kêu gọi được cộng đồng bảo vệ. Mặt khác, các em còn được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu (xã Ia Hrú)
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu (xã Ia Hrú)

Đặc biệt, việc thành lập mô hình cũng sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em, hỗ trợ các thầy cô giáo thực hiện tốt chương trình giáo dục cho học sinh và ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn ở trẻ em... 

Em Ksor H’Hiên thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu (xã Ia Hrú) tự tin nói: Em rất vinh dự khi được tham gia vào Câu lạc bộ, em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, được biết thêm nhiều kiến thức về giáo dục giới tính, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tảo hôn… trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân. Từ đó, em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động tập thể.

Bên cạnh đó, việc thành lập các tổ truyền thông cộng đồng đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa lạc hậu. Với quy chế hoạt động dựa vào cộng đồng, dân chủ, bám sát các hướng dẫn của Hội LHPN các cấp và tình hình thực tế tại địa bàn.

 Ngoài ra, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 3 triệu đồng/tổ và truyền thông về bình đẳng giới, bạo lực gia đình cho các thành viên của tổ và Nhân dân trong làng. Đồng thời, tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên tổ truyền thông.

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Với đặc thù huyện miền núi có 14 làng đặc biệt khó khăn, trên 90% là đồng bào DTTS, Hội LHPN huyện Chư Pưh đã tích cực triển khai Dự án 8 thuộc nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em tại địa phương.

Sau 3 năm triển khai, đến nay, huyện Chư pưh đã thành lập được 11 tổ truyền thông cộng đồng, 2 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" và 3 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Bên cạnh đó, đăng tải 23 tin hoạt động liên quan đến Dự án 8 của các cấp Hội, xây dựng các phóng sự, bài báo tuyên truyền về Dự án 8 trên địa bàn huyện để phục vụ cho công tác truyền thông; trong đó đăng phát trên Báo Dân tộc và Phát triển được xuất thành file để tuyên truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pưh tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ thơ cho người dân
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pưh tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ thơ cho người dân

Đồng thời, tổ chức 24 buổi tuyên truyền, truyền thông sử dụng 2 thứ tiếng để truyền thông (Gia Rai và Kinh); In ấn, cấp phát 3000 tờ rơi truyên truyền về các nội dung kiến thức làm mẹ an toàn và vận động sinh con tại cơ sở y tế; tổ chức 8 buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và vận động phụ nữ sinh con với 370 chị em tham gia; 4 Hội nghị tập huấn Chương trình 3 về phát triển năng lực lồng ghép giới cho cộng đồng,với 260 cán bộ xã, thôn, làng, Người có uy tín trong cộng đồng, hội viên phụ nữ nòng cốt tham gia…

Chị Nguyễn Thị Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh  cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN huyện Chư Pưh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng.

 Cùng với đó, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tại các cấp, cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, Người có uy tín trong cộng đồng... nhằm thực hiện Dự án đạt kết quả cao nhất...

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng Nông thôn mới ở các huyện vùng cao Nghệ An - Khó khăn trăm bề: Nhìn từ huyện “trắng” xã NTM (Bài 1)

Xây dựng Nông thôn mới ở các huyện vùng cao Nghệ An - Khó khăn trăm bề: Nhìn từ huyện “trắng” xã NTM (Bài 1)

LTS: Ở những bản làng vùng cao đã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới sẽ là bộ mặt khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên… Nhưng, mảng màu sáng ấy lại như những nét chấm nhỏ trên bản đồ nông thôn mới các huyện miền núi xứ Nghệ. Bởi còn quá nhiều vùng đất mà sự đầu tư, hỗ trợ từ chương trình xây dựng Nông thôn mới chưa vươn tới và phủ hết…