Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chư Pưh (Gia Lai): Thúc đẩy hoạt động thay đổi định kiến giới, chăm lo bảo vệ, phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Ngọc Thu - 04:50, 26/11/2023

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã nỗ lực phối hợp các cấp chính quyền, các ngành liên quan thực hiện triển khai các mô hình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, hỗ trợ chăm lo, bảo vệ, phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Huyện Chư Pưh nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi
Huyện Chư Pưh nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thay đổi nhận thức

Tại làng Ia Ngăng, xã Chư Don, mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã phát huy hiệu quả, khi kịp thời giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, trong gia đình cộng đồng. 

Đặc biệt, mô hình có sự tham gia của nam giới trong làng, đã góp sức bảo vệ chị em phụ nữ; cũng như tư vấn cho đàn ông trong gia đình để giữ "lửa" hạnh phúc từng mái nhà rông.

Chị Siu H’Hnuin, Chủ nhiệm mô hình “Địa chỉ tin cậy” làng Ia Ngăng cho biết, mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của dân làng. Thông qua địa chỉ tin cậy, chị em phụ nữ tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình. 

Đồng thời, cũng là nơi chị em chia sẻ cách làm hay, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào chương trình phòng chống bạo lực gia đình, vì sự bình đẳng và tiến bộ của chị em phụ nữ.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã tạo chuyển biến tích cực về phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ các định kiến giới, trong gia đình và cộng đồng
Mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã tạo chuyển biến tích cực về phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ các định kiến giới, trong gia đình và cộng đồng

Anh K’Puih Tiên (làng Ia Găng, xã Chư Don) chia sẻ, tham gia mô hình “Địa chỉ tin cậy” anh hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình, xã hội. Từ đó, anh đã tích cực tuyên truyền đàn ông trong làng quan tâm, chia sẻ với phụ nữ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Mỗi buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khoá, em Rmah Siu H’Ra- En, hiện là học sinh lớp 9, cùng 30 thành viên câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kpă Klơng sôi nổi thực hiện các nội dung tuyên truyền đến các bạn học sinh về bạo lực học đường, tảo hôn, bình đẳng giới…

 Rmah Siu H’Ra - En cho biết: Em rất vinh dự khi được tham gia vào câu lạc bộ, em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, được biết thêm nhiều kiến thức về giáo dục giới tính, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tảo hôn… trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân. Từ đó, em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động tập thể.

Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới

Năm 2022, Hội LHPN huyện Chư Pưh được giao nguồn kinh phí 328 triệu đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, Hội đã triển khai, chỉ đạo 7 xã, thị trấn thực hiện dự án với các hoạt động: Tổ chức các Hội nghị hướng dẫn triển khai, tập huấn, tuyên truyền, xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em DTTS; tập huấn về kỹ năng điều hành cho nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng; trang bị kỹ năng, kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản, làm mẹ an toàn; chăm sóc phát triển trẻ toàn diện và triển khai gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn tại xã Ia Phang, thị trấn Nhơn Hoà cho hội viên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham dự. 

Đồng thời, in ấn, cấp phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền về các nội dung kiến thức làm mẹ an toàn và vận động sinh con tại y tế để cấp phát cho hội viên phụ nữ và Nhân dân, nhằm phục vụ cho công tác truyền thông tại làng đặc biệt khó khăn…

Cán bộ Hội LHPN huyện Chư Pưh tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em cho người dân
Cán bộ Hội LHPN huyện Chư Pưh tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em cho người dân

Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện ra mắt 2 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Phan Bội Châu và Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kpă Klơng ,với 60 thành viên nhằm đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng: thành lập 5 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại 5 xã, thị trấn, với 45 thành viên.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh Nguyễn Thị Thuỳ thông tin: Triển khai Dự án 8 năm 2022, UBND huyện rất quan tâm, chỉ đạo sát sao Hội LHPN và các ban, ngành phối hợp thực hiện Dự án, đã góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án trong năm. 

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Dự án, kinh phí phân bổ lớn, thời gian đăng ký và thực hiện gấp nên Hội còn khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai. Công tác tuyên truyền bình đẳng giới có nơi chưa được quan tâm đúng mức; nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú đa dạng, chưa phù hợp với trình độ nhận thức và điều kiện sinh sống của người dân...

Việc khai Dự án 8 sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS huyện Chư Pưh
Việc triển khai Dự án 8 sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS huyện Chư Pưh

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh, để đạt mục tiêu, chỉ tiêu Dự án 8 đặt ra, Hội sẽ chủ động nắm bắt những khó khăn, hạn chế từ cấp cơ sở để có những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ; xây dựng kế hoạch bám sát vào các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án, căn cứ thực tế tại các địa phương để xây dựng chương trình hoạt động hiệu quả.

 Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao kỹ năng quản lý triển khai Dự án cho đội ngũ cán bộ các cấp; tăng cường các hoạt động tại cộng đồng, huy động sự tham gia của thành phần nam giới trong các hoạt động Dự án.. 

Qua đó, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn của địa phương.