Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, một số bộ, ngành, 16 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật nỗ lực vượt khó, vươn lên, đạt giải trong cuộc thi cùng một số cô giáo của các em.
"Vì một Việt Nam tất thắng" là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các em từng mắc hoặc đang điều trị ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, tự kỷ, trẻ mồ côi do chương trình Mặt trời Hy Vọng, Quỹ Hy vọng cùng báo VnExpress, Trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức.
Các tác phẩm trong cuộc thi phản ánh góc nhìn trong sáng, chân thực về cuộc sống chung quanh; đồng thời thể hiện mong muốn, hy vọng về một tương lai tươi sáng trong những ngày đất nước gồng mình chống dịch. Mỗi tác phẩm là một món quà tinh thần mà các em gói ghém cận thận gửi đến cộng đồng, đặc biệt là các y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu, cổ vũ người dân Việt Nam đồng lòng, chung sức chống dịch với niềm tin về "một Việt Nam tất thắng" trước Covid-19.
Sau 2 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút 2.300 bài dự thi của hơn 1.000 thí sinh từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước và có 250 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lắng nghe những câu chuyện cảm động chia sẻ trong buổi gặp mặt ngay sau khi vừa tham quan triển lãm "Vì một Việt Nam tất thắng", Chủ tịch nước bày tỏ xúc động vui mừng gặp gỡ và biểu dương các học sinh tài năng và dũng cảm, với nghị lực phi thường đã vượt khó, vượt lên hoàn cảnh, tham dự cuộc thi ý nghĩa, nhân văn.
Mặc dù bên trong cơ thể mang mầm bệnh và đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng bằng tâm hồn nhạy cảm, tài năng, lạc quan, các em đã sáng tác được nhiều tác phẩm được cổ vũ, đánh giá cao, qua đó cho thấy tinh thần tuổi nhỏ, trí cao, dẫu khó khăn không chùn bước, lan tỏa năng lượng tích cực trong cuộc sống, xã hội.
Điển hình là Nguyễn Thị Hoàng Oanh, trẻ mồ côi, tàn tật ở TP. Hồ Chí Minh được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết thư động viên hồi đầu năm học 2019, khi ông đang giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vươn lên, học giỏi; Nguyễn Vũ Duy ở Nam Định, mắc bệnh u não kiên cường đấu tranh với bệnh tật vẫn luôn nở nụ cười trên môi, mơ ước trở thành đầu bếp giỏi chế biến những bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng cho mọi người và giới thiệu tới bạn bè quốc tế nét đặc trưng của ẩm thực Việt; Thủy Tiên mắc bệnh hiểm nghèo nhưng bằng ý chí, nghị lực mạnh mẽ đã chiến thắng bệnh tật và trưởng thành…
Và còn nhiều tấm gương điển hình tham gia cuộc thi cũng không ngừng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, lạc quan hướng về tương lai tươi sáng; đóng góp nên truyền thống quý báu của thiếu nhi Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng trân trọng tấm lòng các cô giáo, bảo mẫu, nhà từ thiện có tấm lòng nhân hậu, bao dung, tận tụy hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, mất mát, bệnh tật, hoàn cảnh éo le để vươn lên như cô giáo Kim Phấn đã 15 năm dạy học cho trẻ em ung thu tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh để các em được hưởng hạnh phúc biết con chữ dẫu cuộc đời ngắn ngủi và dù sức khỏe đã phần nào giảm sút vẫn miệt mài truyền lửa, khi dịch bệnh vẫn dạy online; cô gái Y Byen ở Gia Lai, nhận nuôi 2 cậu con trai "nhặt" về từ khi chúng là trẻ sơ sinh, 2 con giờ càng lớn càng chăm ngoan, học giỏi…
Đồng thời, hoan nghênh, đánh giá cao Ban Tổ chức, Quỹ Hy vọng, các nhà báo đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi giàu tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, khích lệ những tấm lòng vàng với trẻ em yếu thế trong xã hội, cổ vũ nghị lực phi thường để các em có bước tiến mạnh mẽ trong cuộc sống. Qua đó, thể hiện tinh thần Việt Nam, ý chí mãnh liệt của một dân tộc anh hùng, dù trai gái, trẻ già, ngay cả trẻ em yếu thế cũng kiên cường vượt lên nghịch cảnh, làm cho xã hội có niềm tin tốt hơn, tích cực vượt qua khó khăn.
Chủ tịch nước khẳng định, những tấm gương đó khiến mọi người cảm phục, không chỉ là bài học cho lớp trẻ, mà còn là bài học chung cho người lớn, cần có ý chí vươn lên mạnh mẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào và ý chí, nghị lực mãnh liệt ấy phải tiếp tục được vun đắp.
Đánh giá cao nhiều tác phẩm gửi lên tuyến đầu chống dịch đã cổ vũ tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong cuộc chiến chống Covid-19 gian nan, Chủ tịch nước nhấn mạnh, triển lãm góp phần làm cho mọi người hiểu hơn và có thêm nhiều hành động thiết thực chung tay bảo vệ quyền trẻ em, thực hiện tốt Luật Trẻ em, nhất là trẻ em yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tất cả các em đều được yêu thương, chăm sóc trong một môi trường an toàn, lành mạnh, trưởng thành, đóng góp xây dựng gia đình, cuộc sống và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Đó cũng là tương lai phát triển bền vững của đất nước ta.
Nhấn mạnh toàn xã hội, các cơ quan chức năng cần nêu cao trách nhiệm nuôi dưỡng hoài bão và cùng chung tay hỗ trợ trẻ em, nhất là trẻ em yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mang bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục và Lao động - Thương binh và Xã hội cần phát huy, có thêm nhiều chương trình, mô hình quan tâm hỗ trợ để kịp thời động viên, hun đúc, bồi đắp ý chí, nghị lực cho các em; ngành ngoại giao cần lan tỏa tới bạn bè quốc tế tinh thần "Vì một Việt Nam tất thắng" của thiếu nhi Việt Nam bởi đó cũng chính là tinh thần lạc quan và quyết tâm vượt khó của người dân Việt Nam nỗ lực đạt được nhiều thành quả kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.
Ngành Y tế dành sự quan tâm đặc biệt để các em có được chăm sóc y tế tốt nhất cả về tâm lý và thể chất, áp dụng phác đồ điều trị, kỹ thuật tiên tiến của thế giới để trị bệnh; tìm cách tiếp cận, có nhiều vaccine để tiêm cho trẻ em. Hội đồng Đội, Trung ương Đoàn tiếp tục duy trì, đổi mới nội dung hoạt động, phát huy sáng kiến, tổ chức nhiều phong trào hay, sát thực, phù hợp tâm tư nguyện vọng của các em.
Bày tỏ mong muốn các em khỏe mạnh, vững vàng chiến thắng bệnh tật, không ngừng nuôi dưỡng khát vọng ước mơ để vươn lên phấn đấu trở thành công dân có ích, góp phần xây dựng đất nước phát triển; Chủ tịch nước lưu ý, trong lúc đại dịch còn diễn biến phức tạp, mọi người, mọi gia đình, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với thiếu nhi yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn để các em không mắc Covid-19, đói cơm, lạt muối.