Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Quan tâm giải quyết các kiến nghị chính đáng, thiết thực của cử tri

PV - 14:47, 12/10/2022

Sáng 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Ý kiến của cử tri đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong điều hành, phát triển kinh tế-xã hội, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân sau đại dịch, quyết tâm phòng, chống tham nhũng.

Cử tri Hồ Thị Phượng (xã An Phú) cảm ơn Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư cho hai huyện Củ Chi, Hóc Môn thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, là tiền đề, cơ hội để Củ Chi phát triển trong tương lai gần, đồng thời vận động nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân chăm lo cho các gia đình chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Nhiều cử tri cũng bày tỏ phấn khởi và biết ơn đối với việc làm ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm và tình cảm của cá nhân Chủ tịch nước dành cho đồng bào và nhân dân của huyện Củ Chi.

Nhiều cử tri cũng thẳng thắn phản ánh về vấn đề quốc kế dân sinh và cả những vấn đề tồn tại, chậm giải quyết ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương. Đó là tình trạng quy hoạch treo, chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ, hạn chế về cơ sở hạ tầng…

Cử tri Phan Thị Cẩm Nhung, xã Tân Thông Hội đề nghị điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, tránh tình trạng bỏ hoang ruộng đất mà người dân không có nhà ở vì không chuyển đổi được mục đích sử dụng. Cử tri Lê Anh Tuấn, xã Nhuận Đức kiến nghị sớm có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Rành nhằm giúp lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Đề cập Khu đô thị Tây Bắc Thành phố đã được phê duyệt từ năm 2013 với hơn 6.000ha, trong đó bao gồm 1.600 ha thuộc khu dân cư hiện hữu, năm 2016 thành phố đã đồng ý giữ lại ranh giới khu dân cư hiện hữu, và tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị, tuy nhiên, đến nay người dân trong khu quy hoạch này không được thực hiện các quyền như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng… và đã có ý kiến điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa được đáp ứng, cử tri Nguyễn Văn Cửu, xã Tân Phú Trung mong muốn sớm được giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng với 12 ý kiến đóng góp của cử tri ngắn gọn thẳng thắn, tâm huyết, xác đáng về nhiều vấn đề thiết thực xuất phát từ thực tiễn và kiến nghị đóng góp cho Đảng, Nhà nước trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao vì sự phát triển của huyện Củ Chi nói riêng, thành phố Hồ Chí Minh, đất nước nói chung.

Chia sẻ với những kiến nghị của nhiều cử tri về công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch chậm, nhiều quy hoạch treo hơn 10 năm, từ khu công nghiệp đến khu dân cư, gây khó, gây khổ cho người dân, Chủ tịch nước cho rằng, đây là vấn đề TP Hồ Chí Minh cần rốt ráo rà soát lại để xử lý giải quyết trong thẩm quyền, với các vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương cần có cơ chế đề xuất giải quyết theo hướng dự án nào thực hiện được phải tập trung triển khai, không triển khai được thì không để quy hoạch treo.

Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Tổ đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị số 10 tại huyện Củ Chi.
Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Tổ đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị số 10 tại huyện Củ Chi.

Với một huyện có truyền thống cách mạng kiên cường, đông dân cư, cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, gây khó khăn cho đời sống người dân, nhất là giao thông, một số công trình dự án xuống cấp, Chủ tịch nước đề nghị đối với kế hoạch trung hạn thì Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Củ Chi nên chia phân kỳ, dự án nào cấp bách thì tập trung xử lý giải quyết ngay.

Đánh giá cao an sinh xã hội được triển khai tốt, góp phần nâng cao đời sống người dân sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn, Chủ tịch nước cũng bày tỏ băn khoăn đầu tư còn chưa được như mong muốn, dù đã kêu gọi đầu tư thành công. Nhấn mạnh nhiều dự án đầu tư quan trọng góp phần cải thiện hạ tầng, thay đổi chất lượng cuộc sống và giải quyết việc làm cho người dân địa phương, Chủ tịch nước đề nghị huyện Củ Chi và TP Hồ Chí Minh thúc đẩy giải quyết hiệu quả hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ, khắc phục tình trạng chậm triển khai do quy hoạch chưa bài bản, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Chủ tịch nước cho biết sẽ có cuộc làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh để rà soát, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Đề cập Củ Chi có nhiều hộ đông dân, nhưng tách thửa không được, Chủ tịch nước đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần có phương án báo cáo UBND Thành phố, Thường vụ Thành ủy, HĐND Thành phố để giải quyết, không để tình trạng cả hộ gia đình đông con đang sống trong nhà nhỏ, chật hẹp, trong khi diện tích đất còn rất lớn lại không thể tách thửa để triển khai xây dựng, tránh tình trạng người dân tự ý xây dựng trái phép rồi lại bị cưỡng chế phá dỡ.

Đối với vùng đất có truyền thống cách mạng như Củ Chi, Chủ tịch nước đồng tình với cử tri về việc nâng cấp xây dựng các công trình lịch sử, giúp giáo dục truyền thống, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị cần quan tâm giải quyết những bất cập trong giáo dục đào tạo, nâng mức phụ cấp cho cán bộ cơ sở, có cơ chế xử lý hiệu quả xe vi phạm luật giao thông bị tạm giữ.

Chủ tịch nước cũng thông báo tới cử tri về kết quả thành công của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra một số quyết sách lớn như tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Chủ tịch nước nêu rõ, năm 2022 thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt ngoài dự báo, tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến nước ta trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội và chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế, xã hội theo hướng xây dựng nền kinh tế tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc: GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước (là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011-2022); các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng; các chủ trương, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã phát huy hiệu quả.

Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế huyện Củ Chi tiếp tục phát triển ổn định (GRDP tăng gần 40% so với cùng kỳ, đạt 82% kế hoạch); đến nay 20/20 xã được công nhận nông thôn mới.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng trước những khởi sắc của TP Hồ Chí Minh và huyện Củ Chi sau đại dịch. Kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế huyện Củ Chi tiếp tục phát triển ổn định (GRDP tăng gần 40% so với cùng kỳ, đạt 82% kế hoạch); đến nay 20/20 xã được công nhận nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới tác động đến nước ta, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt kỳ vọng, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế chưa được xử lý dứt điểm; quá tải các trường công lập, thiếu giáo viên vẫn còn tiếp diễn ở nhiều nơi...

Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước nêu một số định hướng thời gian tới. Đó là triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, quá tải ở các trường công lập, quan tâm nâng cao năng lực hệ thống y tế; bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; có chính sách phù hợp để đãi ngộ, khích lệ, động viên cán bộ, nhân viên y tế. Cùng với đó, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Chủ tịch nước lưu ý TP Hồ Chí Minh cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm các đô thị lớn, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, tiến nhanh và sớm bắt kịp các thành phố cùng quy mô trên thế giới. Lãnh đạo huyện Củ Chi đổi mới phong cách làm việc, sâu sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân, chú trọng phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân./.