Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm một số mô hình hợp tác xã tiêu biểu tại Ninh Bình

PV - 14:48, 02/11/2021

Sáng 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm một số mô hình hợp tác xã sản xuất và dịch vụ hoạt động hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tại Ninh Bình. Cùng đi có lãnh đạo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, một số ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Ninh Bình.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình Hợp tác xã Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình Hợp tác xã Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước tới thăm hợp tác xã gốm Bồ Bát tại thôn Liên Thành, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây là địa phương có làng gốm cổ Bồ Bát có lịch sử 3000 năm. Nghề gốm cổ truyền được anh Phạm Văn Vang, người con làng gốm khôi phục từ 13 năm trước và thành lập hợp tác xã gốm Bồ Bát năm 2018 sau khi được Liên minh hợp tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ. Hợp tác xã hiện có 27 lao động, sản phẩm chính là ấm chén, lọ hoa, lộc bình. Doanh thu năm 2020 là 11,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng, thu nhập bình quân 8 triệu đồng.

Từ khi thành lập, hợp tác xã được cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành địa phương hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cho thuê đất sản xuất 49 năm; đăng ký và thẩm định, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng theo chương trình khuyến công, hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã được hệ thống Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình quan tâm tư vấn, hỗ trợ triển khai nhiều chương trình, chính sách như xây dựng thương hiệu thông qua tư vấn xây dựng nhãn, mác, tem truy xuất sản phẩm; đưa sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, các hội nghị kết nối cung cầu; hỗ trợ cho vay nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất; tổ chức các lớp đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn của hợp tác xã; tập huấn vệ sinh an toàn lao động, giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Tại buổi thăm, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng nhận thấy hợp tác xã gốm Bồ Bát dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình đã khôi phục nghề truyền thống 3.000 năm bị thất truyền, mở ra mô hình mới, hiệu quả với nhiều sản phẩm có mẫu mã đa dạng, có hình ảnh truyền thống địa phương độc đáo, ứng dụng công nghệ mới, giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là vùng nông thôn.

Chủ tịch nước biểu dương đánh giá cao hợp tác xã mới thành lập được 3 năm, Giám đốc và công nhân độ tuổi còn trẻ, có tay nghề, bước đầu đã khẳng định được vị trí nhất định trên thị trường, có lợi nhuận, thể hiện thành công bước đầu trong kinh tế hợp tác xã.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hợp tác xã cần tiếp tục hoàn thiện công nghệ, có dây chuyền khoa học, hiện đại hơn, tiếp thu công nghệ sản xuất gốm tốt nhất của một số nước, chú trọng cải tiến mẫu mã đa dạng hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm tốt hơn, bảo đảm tối ưu cả về màu sắc, nhiệt độ, nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm gốm đòi hỏi yêu cầu cao về hoa văn, họa tiết… đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là đối với tỉnh trọng điểm du lịch quốc gia như Ninh Bình. Bên cạnh khai thác vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất gốm đồng thời phải phục hồi mặt bằng lâu dài để sử dụng hiệu quả, bảo đảm môi trường sống cho người dân; chú trọng đào tạo để có lao động tay nghề cao và có các nghệ nhân giỏi.

Cho rằng kinh tế, công nghệ, quản lý là 3 điểm mấu chốt để sản xuất bền vững, đem lại lợi nhuận, tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý hợp tác xã cần quan tâm quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo đảm thu nhập cho người lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chuyển dịch lao động; cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm giá thành, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thị trường vốn rất gay gắt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các xã viên Hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các xã viên Hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được thành lập từ năm 2014. Đây là mô hình hợp tác xã kiểu mới, có quy chế hoạt động tương tự như một công ty cổ phần, vừa có thể hoạt động độc lập lại vừa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, phù hợp với nông thôn và người nông dân.

Do nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước như: vốn, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước... nên hợp tác xã Sinh Dược phát triển sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế bền vững và quan tâm nhiều đến đời sống của những người nông dân thành viên. Hợp tác xã cũng có Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc để đưa ra những quyết sách lớn, còn người lao động có thể làm công ăn lương và có các tổ trưởng phụ trách từng mảng riêng biệt. Ngoài sản phẩm chủ đạo là xà bông tắm, hợp tác xã Sinh Dược cũng sản xuất nhiều sản phẩm khác như: muối ngâm chân, muối tắm bé, tranh lá bồ đề được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Bày tỏ vui mừng chứng kiến một mô hình hợp tác xã kiểu mới, hoạt động hiệu quả, sáng tạo, gặt hái thành công bước đầu có ý nghĩa như Sinh Dược, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đất nước Việt Nam giàu tiềm năng, dân tộc Việt Nam giàu tri thức trong tự nhiên và cả trong dân gian; trong đó có cả y sinh dược.

Chủ tịch nước đánh giá hợp tác xã Sinh Dược đã sáng tạo trong quản lý, xây dựng mô hình hoạt động của một hợp tác xã kiểu mới, đặc biệt là phát huy tốt tiềm năng của địa phương, nhất là vùng nguyên liệu sẵn có để phát triển các sản phẩm mới mang đậm dấu ấn truyền thống. Hợp tác xã đã chăm lo tốt phúc lợi, đời sống cho các thành viên, tạo việc làm cho lao động địa phương. Lãnh đạo hợp tác xã có sự nghiên cứu, tìm tòi, nắm bắt và vận dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, hợp tác xã duy trì và phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức Đảng tại cơ sở trong sản xuất kinh doanh.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó cần quan tâm hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đào tạo tay nghề, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, nhất là các sản phẩm có tính sáng tạo cao, được thị trường ưa chuộng như các hợp tác xã Sinh Dược và Bồ Bát./.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.