Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khai thác giá trị di sản Champa ở Bình Định: Kết hợp bảo tồn với phát triển du lịch

Phương Lê - 09:26, 01/06/2020

Cùng với tháp Chăm, Bình Ðịnh còn lưu giữ nhiều hiện vật điêu khắc, phù điêu, lò gốm... từ thời Champa. Trong đó, một số hiện vật đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Việc phát huy giá trị hệ thống hiện vật này không chỉ thể hiện tinh thần trân trọng di sản mà còn phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Khuôn viên tháp Đôi được xem là nơi thích hợp để xây dựng bảo tàng Champa
Khuôn viên tháp Đôi được xem là nơi thích hợp để xây dựng bảo tàng Champa

Theo các nhà nghiên cứu, di tích, hiện vật Champa còn lại ở Bình Định phong phú về chất liệu, kích cỡ, hình dáng… hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Ngoài 8 cụm tháp và 14 khối kiến trúc tháp Champa hầu hết tọa lạc trên những đỉnh đồi, tạo sự khác biệt với các nơi khác, Bình Định còn có 4 tòa thành cổ, gồm: Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì và hàng loạt tác phẩm điêu khắc, phù điêu, gốm giá trị đã được tìm thấy. 

Không chỉ có gốm Champa, các phù điêu Champa cũng hết sức quý giá và hấp dẫn. Bảo tàng Bình Định hiện đang lưu giữ 4 bảo vật quốc gia là những phù điêu Champa, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, phù điêu thần Brahma, 2 bảo vật còn lại là cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn. 

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho biết: Năm 2003, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma được Bảo tàng lịch sử Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) mượn để trưng bày tại triển lãm chủ đề “Việt Nam quá khứ và hiện tại”. 

Trước đó, không chỉ ở Việt Nam, các chuyên gia Áo, Bỉ đã thăm thú nhiều nơi trên cả nước, 2 bức phù điêu của Bình Định được ưu tiên hàng đầu. Kể những điều như trên để thấy, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa tại Bình Định vô cùng quý báu.

TS. Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, Hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam cho hay: Việc phát huy giá trị những khối tài sản này là việc nên làm càng sớm càng tốt. 

“Không cần phải đầu tư nhiều, tổ chức đồng loạt mà cái gì nổi trội, dễ phát huy thì ta làm trước. Có thể tổ chức các buổi triển lãm, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu cho người dân, du khách bằng nhiều phương tiện khác nhau để người ta biết Bảo tàng Bình Định có những hiện vật đặc sắc và những hoạt động thú vị đó”, ông Hòa chia sẻ thêm.

Nhiều hiện vật Champa được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định
Nhiều hiện vật Champa được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định

Theo các nhà nghiên cứu, để phát huy các hiện vật Champa, tỉnh Bình Định nên dành cho các hiện vật này một không gian xứng đáng hơn. Và không gian này nên được bố trí tại tháp Đôi. 

Trong thập niên 80 - 90 của thế kỷ XX, Kazimierz Kwiatkowski, chuyên gia người Ba Lan đến Việt Nam giúp trùng tu các tháp Champa đã vài lần đề cập đến việc xây dựng bảo tàng Champa tại Bình Định. Và có lẽ ông là người đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng Champa trong khuôn viên di tích Tháp Đôi. Sở dĩ chọn xây bảo tàng Champa tại Tháp Đôi vì theo Kazimierz Kwiatkowski, di tích tháp Champa ở giữa lòng TP. Quy Nhơn là một điểm vô cùng đặc biệt.

Nói về việc đem hiện vật Champa đến gần người dân và du khách, không ít ý kiến cho rằng nên kết hợp với các Tour du lịch. Trong đó, bảo tàng là một điểm đến trong chuỗi hành trình. Nếu họ cảm thấy hài lòng, hấp dẫn tại bảo tàng, có khi chính du khách là người yêu cầu đến thăm các di tích Champa khác. Nếu làm được như vậy, không chỉ hiện vật được biết tới nhiều hơn, mà chính cán bộ, nhân viên bảo tàng cũng được hưởng lợi. Đó là chưa kể đến chuyện bảo tàng có thể đi đến việc tự nuôi chính mình. Do đó, chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ cực kỳ quan trọng, nên phải nghĩ đến việc đổi mới nhiều hơn nữa.

Việc phát huy giá trị những khối tài sản này là việc nên làm càng sớm càng tốt. Có thể tổ chức các buổi triển lãm, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu cho người dân, du khách bằng nhiều phương tiện khác nhau để người ta biết Bảo tàng Bình Định có những hiện vật đặc sắc và những hoạt động thú vị đó”.

TS. Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc

Bảo tàng Bình Định, Hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.