Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các phong trào hòa bình thế giới

PV - 19:15, 23/11/2022

Chiều 23/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu quốc tế dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới đang diễn ra tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đoàn đại biểu dự Đại hội 22 Hội đồng Hòa bình thế giới
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đoàn đại biểu dự Đại hội 22 Hội đồng Hòa bình thế giới

Cùng dự có Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Socorro Gomes Coelho, Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới Athanasios Pafilis, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu, lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam.

Nêu rõ, Việt Nam chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn thủy chung với bạn bè truyền thống, kiên định đoàn kết, ủng hộ nhân dân các nước đấu tranh vì Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì một thế giới công bằng, phát triển bền vững và hòa bình.

Phát biểu tại buổi tiếp, lãnh đạo Hội đồng Hòa bình thế giới và Hội đồng Hòa bình các nước đều bày tỏ sự kính trọng, tình cảm yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngưỡng mộ truyền thống, thành tựu của đất nước và nhân dân Việt Nam Anh hùng - biểu tượng của hòa bình thế giới.

Các đại biểu chúc mừng và đánh giá cao sự chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt của Việt Nam. Đại diện các nước mong muốn hợp tác với Việt Nam để duy trì nền hòa bình thế giới, vì một trật tự thế giới công bằng, công lý, bởi Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình và Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong lòng những người yêu mến hòa bình thế giới.

Bày tỏ xúc động về những tình cảm yêu mến, đoàn kết, ủng hộ quý báu mà bạn bè thế giới dành cho Việt Nam trong hơn 70 năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam và Hội đồng Hòa bình Thế giới có quan hệ gắn bó đặc biệt khi tham gia sáng lập Hội đồng từ năm 1949. Năm 1950, giữa cuộc kháng chiến ác liệt chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam để tham gia làm thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới. Kể từ đó, sự nghiệp đấu tranh vì Hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đã luôn gắn bó mật thiết với phong trào đấu tranh vì hòa bình của Nhân dân tiến bộ trên thế giới do Hội đồng Hòa bình thế giới làm nòng cốt.

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ sự ủng hộ, đoàn kết mạnh mẽ và giúp đỡ quý báu của các tổ chức dân chủ, tiến bộ quốc tế trong đó có Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên đối với quá trình Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Việt Nam đánh giá cao Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên trong việc ngăn chặn chiến tranh, đế quốc xâm lược, xây dựng một thế giới hòa bình và công lý, đặc biệt là những hoạt động ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân các nước, giải trừ quân bị, giải trừ vũ khí hạt nhân và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn Hội đồng Hòa bình thế giới đã tích cực ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam...

Nêu bối cảnh thế giới hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển, Chủ tịch nước mong muốn và tin tưởng Hội đồng Hòa bình thế giới sẽ tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình trong việc tập hợp, đoàn kết các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới trong đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công lý và phát triển bền vững.

Nhắc đến mục tiêu trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Chủ tịch nước cho biết, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tập trung phát huy nội lực của toàn dân tộc, là yếu tố quyết định cùng với chủ động hội nhập tranh thủ nguồn lực quốc tế là quan trọng, giữ vững môi trường Hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước phồn vinh, người dân hạnh phúc.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước mong muốn Hội đồng Hòa bình thế giới, các tổ chức dân chủ quốc tế, các lực lượng hòa bình, tiến bộ thế giới tiếp tục đồng hành, đoàn kết và ủng hộ Nhân dân Việt Nam trên chặng đường mới. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các phong trào hòa bình cũng như các phong trào của Nhân dân tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.