Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chùa Khmer - “đạo và đời”: Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc (Bài 4)

N.Tâm – H.Diễm - 18:26, 26/08/2022

Đối với nhiều thế hệ trẻ dân tộc Khmer, chùa không chỉ là nơi giáo dục đạo đức, nhân cách sống, lòng hiếu thảo và nghi thức giao tiếp, ứng xử mà còn là nơi để những ngày hè, các em háo hức rủ nhau lên chùa để học chữ Khmer do các sư sãi đứng ra tổ chức. Đây được xem là việc làm hết sức có ý nghĩa của các nhà chùa, nhằm góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc Khmer.

Mỗi dịp hè nhiều em vẫn ham thích được đi học chữ Khmer tại các chùa
Mỗi dịp hè nhiều em vẫn ham thích được đi học chữ Khmer tại các chùa

Mùa hè lên chùa học chữ 

Chúng tôi đến thăm chùa Serey Kandal thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), khi mùa mưa ở miền Tây vừa mới bắt đầu. Hơn hai tháng nay, ngày nào cũng vậy, trong không gian thanh tịnh là những âm thanh vang lên bởi phát âm, đánh vần của các lớp học chữ Khmer.

Đại đức Lý Phét - Trụ trì chùa Serey Kandal cho biết, mỗi năm, chuẩn bị bước vào mùa hè, nhà chùa đều chuẩn bị mọi thứ đón học sinh đến học ngôn ngữ mẹ đẻ. Ý thức được việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống của dân tộc nên không cần mất nhiều công vận động, cha mẹ học sinh khuyến khích con em đến chùa học chữ rất đông. 

Những em khó khăn được nhà chùa hỗ trợ tập viết (vở, bút-PV). Lớp học chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vào dịp nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, lại giúp được các em vừa biết chữ quốc ngữ, vừa biết chữ Khmer để giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống dân tộc mình.

Lớp học chữ Khmer tại chùa Serey Kandal
Lớp học chữ Khmer tại chùa Serey Kandal

Còn tại chùa Som Rong (TP. Sóc Trăng), tỳ kheo Danh Hoàng Thương cho hay, mùa hè 2022, nhà chùa dạy chữ Khmer cho trên 100 em là con em đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống trên địa bàn, phần lớn các em đang học tiểu học và trung học cơ sở. Tuy số lượng đông, nhưng lớp học vẫn được chùa tổ chức giảng dạy nghiêm túc. Tthời gian học vào lúc 14 giờ đến 16 giờ hằng ngày. Ngoài học chữ, các sư còn giáo dục đạo đức, lễ nghi truyền thống cho các em.

Những ngày hè, các em đến chùa để được sư thầy dạy chữ Khmer truyền thống của dân tộc mình. Đối với các em, đến chùa học chữ vừa nghĩa vụ, trách nhiệm duy trì chữ viết văn hóa của dân tộc mình, nhưng cũng rất đỗi tự hào với truyền thống tốt đẹp, nên dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn, cha mẹ đi làm xa các em buộc mang cả em nhỏ theo học. Dù trong hoàn cảnh nào các em vẫn cố gắng đến lớp, chăm chú đánh vần, nắn nót từng chữ viết.

Em Thạch Anh Hào, học sinh trường THCS Dương Kỳ Hiệp cho biết, từ khi nghỉ hè đến nay, em được ba mẹ cho lên chùa SomRong học chữ Khmer. Khi sư thầy dạy, em chăm chú lắng nghe, đọc và viết theo. Em thấy học chữ Khmer cũng dễ, bây giờ thì em đã đọc được nhiều chữ cái, ở đây còn có nhiều bạn bè cùng học nên em thấy rất vui.

Thượng tọa Lý Minh Đức, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Som Rong, cho biết, trên địa bàn tỉnh có 92 ngôi chùa Khmer thì hầu hết đều tổ chức dạy chữ Khmer, chùa nào không có chỗ thì mượn các nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các điểm trường để dạy chữ Khmer trong dịp hè. 

Ngoài việc giáo dục đạo đức, nhân cách sống, lòng hiếu thảo và nghi thức giao tiếp, ứng xử cho các thế hệ trẻ, thì việc dạy chữ Khmer hè ở các chùa Phật giáo Nam tông, từ trước đến nay cũng đã trở thành truyền thống. Hoạt động này đã giúp các thế hệ trẻ biết đọc, viết chữ dân tộc mình, góp phần quan trọng vào bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. 

Các em học sinh chăm chú đánh vần chữ Khmer
Các em học sinh chăm chú đánh vần chữ Khmer

Còn tại Kiên Giang, đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ trên 13% dân số toàn tỉnh. Cùng việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường công tác giáo dục nâng cao dân trí cho đồng bào Khmer cũng được Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm, nhất là việc dạy và học chữ Khmer cho con em đồng bào Khmer.

Như thường lệ, bắt đầu từ kỳ nghỉ hè, vào mỗi buổi chiều, chùa Thanh Gia, xã Định Hòa, huyện Gò Quao lại tiếp nhận nhiều em học sinh là người Khmer, và cả những em người Kinh đến theo học chữ Khmer tại chùa. Điều này càng khẳng định tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc Khmer không chỉ được thế hệ trẻ phát huy và giữ gìn và còn lan tỏa sự yêu thích sang cả thế hệ trẻ dân tộc khác sống cùng địa phương.

Hòa thượng Trần Nhiếp, Trụ trì chùa Thanh Gia cho biết: Hàng chục năm qua, mỗi năm, chuẩn bị bước vào mùa hè, nhà chùa chuẩn bị chu đáo mọi thứ để đón học sinh đến học ngôn ngữ mẹ đẻ. Ý thức được việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống của dân tộc, nên cha mẹ học sinh khuyến khích con em đến chùa học chữ rất đông, không cần mất nhiều thời gian vận động, những em khó khăn được nhà chùa hỗ trợ tập, viết.

 "Lớp học chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vào dịp nghỉ hè, nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, giúp các em vừa biết chữ quốc ngữ, vừa biết chữ Khmer”, Hòa thượng Trần Nhiếp chia sẻ.

Còn Đại đức Danh Nâng,  trụ trì chùaThứ Năm, huyện An Biên, với suy nghĩ không có tri thức, con em đồng bào dân tộc sẽ tụt hậu lại phía sau và không thể nào tiến bộ được, do vậy Đại đức Danh Nâng đã tận dụng giảng đường giảng giáo lý của chùa để đầu tư xây dựng thành phòng học.

“Thấy trẻ em đến trường tôi vui lắm. Chăm lo dạy chữ Khmer là một việc làm thiết thực. Có học chữ thì mới có kiến thức để thoát được nghèo. Vì vậy, đối với những bậc làm cha, làm mẹ dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng để con mình được học chữ, học ngôn ngữ của dân tộc mình”, Đại đức Danh Nâng chia sẻ.

Góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa 

Tương tự, tỉnh Trà Vinh hiện có 136 chùa Khmer. Vào dịp hè, trong các ngôi chùa lại rộn ràng các lớp dạy chữ Khmer cho học sinh.Theo Đại đức Thạch Nhứt, Trụ trì chùa Xoài Xiêm mới (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) thì truyền thống dạy chữ trong chùa Khmer có từ xưa. Hầu hết các chùa ở tỉnh Trà Vinh đều mở lớp dạy học. Người dân trong vùng đều có thể đến chùa học, không phân biệt tuổi tác, dân tộc và thường đông nhất là trẻ em tuổi từ 6 đến 7 tuổi.

Tập sách của lớp học được nhà chùa chuẩn bị chu đáo
Tập sách của lớp học được nhà chùa chuẩn bị chu đáo

Tham gia giảng dạy tại các chùa ở Trà Vinh chủ yếu là các nhà sư. Ngoài ra, nhiều Phật tử cũng tình nguyện tham gia việc dạy chữ ở chùa. Ông Thạch Ni, một tình nguyên viên đang dạy học ở chùa Mich (còn gọi chùa Tà Niếp, huyện Trà Cú), đã có hơn 30 năm dạy chữ Khmer cho con em các phum, sóc gần chùa. Việc dạy học ở chùa còn được xem là một việc làm phúc cho bản thân và gia đình nên dù không hề nhận bất kỳ một khoản thu nhập nào từ học trò hay nhà chùa, ông Thạch Ni vẫn cần mẫn đứng lớp suốt những năm qua. 

Ông chia sẻ, thời gian học chữ trong chùa đã giúp các tăng sinh, học sinh viết và phát âm chuẩn tiếng Khmer của dân tộc mình. Ngoài ra, họ còn được học về Phật pháp, góp phần gìn giữ và phát triển chữ viết, tiếng nói, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, ở chùa này chỉ có mở tới hết cấp 2 nên các em học sinh muốn học lên cao nữa thì sẽ đi qua học ở các chùa khác.

Trao đổi về hoạt động ý nghĩa của chùa Khmer  trong việc dạy chữ cho các em học sinh, Hòa thượng Danh Đổng, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh, mong muốn của các chùa và các sư là giúp lớp trẻ giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer, giúp các em bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ, góp phần bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, giúp các em dân tộc Khmer có thêm những không gian sinh hoạt lành mạnh trong những ngày hè.

Theo Hòa thượng Danh Đổng, cái khó lớn nhất hiện nay của các chùa là, ngày càng có nhiều học sinh theo học, nhưng các chùa hầu như thiếu cơ sở vật chất, đa số giáo viên là à cha, ban quản trị và các vị sư tham gia dạy chữ đều chưa qua các lớp sư phạm. Bên cạnh đó, nhiều trẻ cũng tự giác tham gia học chữ viết dân tộc, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn nên bà con lo làm ăn ở xa làm việc học của các em bị gián đoạn…

"Trong thời gian tới, Hội sẽ nghiên cứu tiếp tục tìm giải pháp hỗ trợ, giao giảng vận động bà con và con em tham gia học chữ. Nhắc nhở phật tử dù xa quê hương làm ăn thoát nghèo, nhưng phải quan tâm đến việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, trong đó có tiếng nói và chữ viết”,Hoà thượng Danh Đổng trăn trở.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tối 25/4, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh Kon Tum và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây.